Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Lý Hòa: đèo và Đá Nhảy

Lý Hòa là tên gọi của một vùng quê (thuộc địa phận xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) được hình thành từ năm 1705, nằm cạnh đường quốc lộ 1A, cách tỉnh lỵ Quảng Bình chừng 23km về phía Bắc.

< Đèo Lý Hòa.

Lý Hòa cũng có con đèo thấp cùng tên, nơi có đường thiên lý Bắc - Nam chạy qua ven núi, trước đây có tên gọi là Núi Lễ Đệ và được Lê Quý Đôn ghi lại như sau trong sách 'Phủ biên tạp lục'. "Núi Lễ Đệ trên tự đầu nguồn, dưới đến bờ biển dẫu không cao lắm, nhưng liên tục hơn trăm ngọn, thực chặn ngang đường vào Thuận Hóa".

Dưới chân Đèo, nơi núi liền với biển, mọc lởm chởm vô vàn những hòn đá nhỏ, đá to, cao thấp trăm hình kỳ thú. Mỗi lần sóng biển vỗ bờ, bọt tung trắng xóa, đá tảng, đá hòn dường như được sóng nâng lên, nhảy chồm chồm như những con cóc lớn. Phải chăng vì vậy mà cái tên Đá Nhảy đã ra đời (để ghi lại một nét riêng của cảnh sắc nơi đây. Xưa ở Quảng Bình có hai vế đối rất thú vị về địa danh này:

Bò đi Đá Nháy,
Hùm hét La Hà.

Vua Thiệu Trị năm 1842, trên đường tuần du Bắc Hà đã dừng lại trên vùng đất Lý Hòa và cho khắc bia lưu niệm. Vùng núi - biển Lý Hòa cảnh sắc vô cùng nên thơ. Cát trắng, dương xanh, non cao, biển rộng... tất cả như hòa làm trong một bức tranh nhiều màu sắc, hữu tình non nước. Bãi biển Đá Nhảy là một nơi du lịch nghỉ mát, tắm biển lý thú. Khách du lịch sẽ tìm thấy niềm vui và bao điều bổ ích trong những cuộc leo núi, những cuộc dạo chơi trong rừng dương và tắm mình trong một vùng biển sạch sẽ yên bình. Sẽ thú vị biết bao khi được đùa vui bên những hòn Đá Nhảy ngầu bọt sóng trắng.

Bãi Đá Nhảy có nhiều núi đá, cột đá to nhỏ, cao thấp với trăm hình nghìn vẻ kỳ thú như hình con cóc, con trâu nằm, hình “trống – mái”, hình hổ quỳ, voi phục, đùa giỡn với sóng nước. Đá ở đây luôn luôn biến đổi từ hình dáng đến màu sắc tùy thuộc sự lên xuống của con nước, theo mùa.

Tại đây còn có một cái giếng gọi là giếng Cóc (có một tảng đá lớn hình con cóc che trên miệng), càng tăng sự hấp dẫn của địa danh này. Giếng ở sâu trong hang Cóc, muốn lấy nước phải chui vào “bụng cóc” để múc từng gàu một. Nước giếng rất trong và sạch, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, thường được ngư dân lấy để cúng lễ ở đền thờ Nam Hải Đại Vương cạnh giếng.

Từ đèo Lý Hòa tỏa ra ba hướng. chúng ta có thể tới thăm nhiều làng quê còn lưu dấu bao di tích lịch sử - văn hóa xưa của châu Nam Bố Chính. Phía Tây, cách đèo 4km là làng Hy Duyệt, nơi thuở trước có Tháp và tượng Chàm cổ. Ngược ra phía Bắc chừng dăm km là đã tới dòng sông Gianh lịch sử.

Về phía Nam, xuôi theo đường quốc lộ 1A hơn 2 km, chúng ta sẽ gặp sông Lý Hòa, một trong 5 con sông của Quảng Bình. Cửa biển Lý Hòa xưa gọi là cửa Đại Lý - nơi năm 1369 đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), thủy binh Đại Việt đã thắng quân Chiêm từ phía Nam ra cướp phá châu Lâm Bình.

Sát cửa Lý Hòa là làng biển Lý Hòa trù phú, từng được nhiều sử, sách nhắc đến: "Thôn Lý Hòa, châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lê Đệ sư xuống thành một bãi cát trắng bằng nổi cao, mở rộng dân cư ở ngay bãi. Trông về phía nam, đuôi bãi từ bên tả ôm lấy, sông Thuận Cô từ bên hữu chạy lại làm án, cho nên nhân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người. Tục quan buôn bán, bình thời vào Gia Định đóng thuyền nan lớn đến hàng trăm chiếc".

Lý Hòa được thiên nhiên ban tặng cho non xanh, nước biếc, lại ở vào địa thế núi dăng một phía - biển vây ba bề đã tạo cho nơi đây có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong năm tháng đấu tranh oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc nói chung, Lý Hòa nói riêng. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mảnh đất Lý Hòa - Hải Trạch đã có những đóng góp không nhỏ, đây là một trong những cơ sở kháng chiến sớm và mạnh của Quảng Bình trong những năm 1944 -1945.

Đây cũng là nơi mà các đồng chí Nguyễn Gia Tất, Phan Diễn và đồng chí Hoàng Đồng (người địa phương) đã lợi dụng làm điểm câu cá để họp bàn việc thành lập chi bộ đầu tiên của Lý Hòa (6/1947). Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đèo Lý Hòa là xương sống, là trọng điểm, là mạch máu giao thông vận tải quan trọng của hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam góp phần đẩy nhanh sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Khu danh thắng Lý Hòa từng được Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh đi qua, ghé thăm và tắm biển. Đây là mảnh đất mang nhiều sự kiện lịch sử và là nơi an dưỡng, nghỉ mát, thưởng thức nhiều loại hải sản như mực, tôm, cá... thật là một địa điểm lý tưởng cho du khách thập phương và của Quảng Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét