Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Chóp Chài, chùa Hang và Trại Cháy.

Núi Chóp Chài cao 391 mét nổi lên giữa đồng bằng thuộc khu vực phường 9, xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa; cách trung tâm thành phố khoảng 4km về phía Tây Bắc. Vị trí núi nằm ở đoạn km 3 + 100 trên QL1A với chu vi quanh chân núi 10km.

Núi có hình dáng khá vuông vắn trông tựa như một kim tự tháp khổng lồ. Đứng trên đỉnh núi sẽ có được tầm nhìn bao quát tới bãi biển và trọn vẹn vùng đồng bằng dưới chân núi. Trên núi có hang Dơi (hay Trai Thuỷ) rộng 5m và rất sâu. Lưng sườn núi có các công trình kiến trúc Phật giáo như chùa Hoà Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn, Bảo Lâm.

Đây là ngọn núi trẻ, căn cứ theo cấu tạo địa chất so với toàn vùng, không có liên hệ gì với dãy Trường Sơn.
Là hòn núi độc lập theo cấu tạo địa chất cách đây hàng triệu năm và cũng là một trong những cù lao, đá ngầm nhỏ (gồm Chóp Chài, núi Nhạn, núi Miếu…) giữa biển, sau này do những chấn động địa chất và phù sa bồi lắng dần tạo thành đồng bằng Tuy Hoà.

Tại những khu vực quanh núi Chóp Chài, gành Đá, nông dân đào ao vét giếng thỉnh thoảng lại tìm thấy những mỏ neo, những đoạn dây thừng dùng cho thuyền đi biển cùng vô số những vỏ sò ốc…

Đứng trên độ cao, từ xa trông về hướng núi thì Chóp Chài tựa như một chiếc chài đang khởi vãi trên mặt hồ rộng, vì vậy nên nó có tên chữ là Nựu Sơn (núi như cái nút nhỏ). Còn căn cứ vào hình dáng và thế núi thì nó còn có tên khác là Qui Sơn, bởi khi nhìn gần núi trông giống một con rùa đang thò cổ ra bò trên mặt đồng rộng, mà đầu quay ra quốc lộ. Do đó, Chóp Chài còn có tên gọi trong dân gian là hòn Cổ Rùa.

Dưới con mắt của các nhà phong thuỷ học thì sông Đà Rằng (gồm cả sông Ba ở thượng nguồn) là con rồng uốn khúc, đầu ở thượng nguồn, đuôi vắt ngang qua làng Phước Hậu để giao nhau với núi Chóp Chài như con rùa khổng lồ vươn mình ra biển Đông.

Chính thế đất Long Qui giao hoà nên nhiều người nghĩ rằng Phú Yên là nơi phát sinh ra lắm nhân tài, là vùng địa linh nhân kiệt. Vì vậy, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện, khi Pháp mở con đường QL1A và đường sắt xuyên Việt đã chặt đứt cổ rùa như một cách “yếm” nhân tài đất Việt một cách công khai.

Cách đây trên nửa thế kỷ, Chóp Chài được che phủ bởi nhiều tầng cây cổ thụ, dây leo và nhiều chim thú, là một trong số hiếm hoi sân chim ở Phú Yên mà nhiều nhất là các loại cò, cuốc, sáo, cu cườm… vì môi trường sống của chúng thích nghi với vùng đồng nước của cánh đồng lúa Tuy Hoà. Núi Chóp Chài còn có các loài thú móng guốc như hươu, mển, heo rừng, khỉ… Nhưng cư dân ngày mỗi đông đúc thêm lên, nên cây rừng dần biến mất, kéo theo sự mất dạng của các loài chim thú bởi môi trường sinh sống của chúng bị xâm hại nên đã bỏ đi nơi khác.

Do ảnh hưởng về mặt tâm linh xuất phát từ việc coi trọng phong thủy cho nên quanh núi Chóp Chài có đến 4 ngôi chùa. Đó là các chùa Bửu Lâm và Hồ Sơn ở thôn Phú Vang, Khánh Sơn và Minh Sơn ở thôn Minh Đức, đều là những ngôi chùa danh tiếng của Phú Yên. Ở mạn sườn núi phía tây, gần đỉnh lại có chùa Hang.

Gọi là chùa, nhưng không theo lối kiến trúc thông thường vách xây mái lợp, mà được thiên nhiên cấu tạo sẵn, gồm những tảng đá to dựng thẳng đứng tạo thành vách và mái che rất kín đáo; phía ngoài cửa vào chùa có hai tảng đá nhoài ra với mái che bằng phẳng như một hành lang trước khi bước vào chánh điện. Tại nơi này vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, thiền sư Pháp Tạng, một nhánh của phái Thiền Lâm Tế đến ẩn tu và đắc đạo. Sau này các vị sư trụ trì kế thừa nghiệp tổ gọi chùa này là chùa Tổ, còn dân gian vẫn gọi là chùa Hang.

Trong những ngày đầu xuân, ngày rằm tháng Tư, rằm tháng Bảy các tín đồ Phật giáo và các du khách thập phương thường đến những chùa này để dâng hương lễ Phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp. Khi đứng trên lưng chừng núi, giữa sân chùa tĩnh lặng nghe gió núi thổi rì rào quanh những tán lá cây rừng, mang theo tiếng chuông chùa ngân nga thanh sạch tĩnh mịch khiến tâm hồn như thoát ra khỏi những vướng bận ngày thường.

Trên lưng chừng núi trước cổng tam quan hay sân chùa nhìn xuống phía dưới là cánh đồng lúa chín vàng ruộm màu mật ong, là những con sông uốn khúc lượn lờ trôi, là biển cả mênh mông… gần trong tầm mắt là thành phố nằm khép giữa hai bờ sông Đà Rằng, sông Chùa, với núi Nhạn nhô cao xanh thẳm khiến ta có cảm tưởng như những ồn ào, bươn bả của đời thường cũng vụt rớt xuống lòng đường phố, chỉ còn lại tiếng kinh cầu thoát tục.

Chóp Chài cũng là tiêu điểm cho những dự đoán trước chuyện nắng mưa của đất trời:

Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như đổ.

Hay:

Lập loè trời chớp Vũng Rô
Mây che hòn Yến, gió vô Chóp Chài.

Rồi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nhật Tĩnh đã mượn hình ảnh ngọn núi Chóp Chài để làm bia ghi công chiến sĩ đã xả thân vì nền độc lập dân tộc:

Mai sau mượn ngọn Chóp Chài
Làm bia chiến sĩ cho người xa trông.

Núi Chóp Chài cũng đã để lại nhiều chuyện truyền thuyết chung quanh việc tranh giành quyền bính giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Chuyện Nguyễn Ánh trú quân trong chùa Hang kể lại như sau:

Sau khi quân nhà Nguyễn bị Tây Sơn đuổi đánh tan tành ở bên này đèo Cù Mông, phải chạy ra đầm và xảy ra trận huyết chiến tại hòn Nần. Quân nhà Nguyễn phải tháo chạy vào Gành Đỏ, men theo sông Cái (Tuy An) chạy vào Chóp Chài và cho tàn quân trú lánh trong chùa Hang. Quân Tây Sơn vây lùng nhiều ngày không tìm thấy tung tích nên quay ra phía dòng sông Đà Rằng đi ngược lên thượng nguồn truy đuổi. Quân Nguyễn Ánh men theo núi lên Phú Cốc vượt qua Lỗ Chài (Hoà Quang) rồi chạy lên làng Lương Sơn đóng trại.

Do quân Tây Sơn được Bà Hoả (đội dũng binh người dân tộc thiểu số) tiếp trợ và phát hiện đám tàn quân Nguyễn Ánh chạy về phía đó nên kéo đại binh đuổi theo đến làng Lương Sơn thì quân Nguyễn Ánh đã vượt núi băng rừng chạy về phương Nam. Tây Sơn cho đốt doanh trại của nhà Nguyễn tại Lương Sơn, nên từ đó khu vực này còn có tên là Trại Cháy.

Trong thời gian trốn lánh trong chùa Hang, đám tàn quân nhà Nguyễn được nhà sư trụ trì che giấu, cung cấp lương thực, nước uống sống qua ngày. Nhớ ơn xưa, sau khi lên ngôi, vua Gia Long có sắc phong cho chùa nhưng thời gian và chiến tranh kéo dài, những sắc phong này đã bị thất lạc không còn nữa.
Ngày nay, núi Chóp Chài cùng với sông Ba là những biểu tượng quen thuộc về Phú Yên.

Bí ẩn 'ngọn núi Thiên Lôi' ở Phú Yên
Tuy Hòa sẽ là địa chỉ "phượt" của bạn?

Theo báo Phú Yên

1 nhận xét:

  1. chùa hang chật chội nhưng phải có 1 truyền thuyết gì đấy nhỉ
    vietnam motorbike tours Loop Bike Tours

    Trả lờiXóa