Cô bí thư tỉnh đoàn Hà Giang tự hào khoe “Hà Giang có ba cái nhất”… rồi dừng lại đó, mặc cho người nghe háo hức chờ đợi. Tôi có cảm giác như mình bị treo lơ lửng trên đôi môi chúm chím chết người của cô. Cho đến lúc biết chắc người đối diện không còn chịu đựng nổi nữa, cô mới chịu hé lộ: “Một là, nhiều đá nhất. Hai là ít nước nhất. Và ba là hiếu khách nhất”.
Gì chứ khoản hiếu khách thì tôi đồng ý. Lúc xe mới vào địa phận thành phố, Hồng Minh - người bạn dẫn tôi lên Hà Giang - gọi điện báo tin có bạn lên thăm, thế là mấy phút sau vợ chồng cô bí thư tỉnh đoàn đã xuất hiện, hướng dẫn chúng tôi đến một nhà hàng đặc sản, tự tay sắp xếp ghế ngồi, đặt món ăn, chuyện trò hồ hởi phấn khởi.
Tôi quá ngạc nhiên bởi cách tiếp khách của họ: chu đáo, chăm chút và ân tình. Rồi cả cách bắt tay của họ nữa, đó là bàn tay ấm áp, tin cậy và trân quý. Tôi vốn dị ứng với nhiều vị quan chức bắt tay mà hờ hững, tuồn tuột, chiếu lệ…
< Với quý đức ông ở chợ phiên Sà Phìn.
Lại nói về chuyện hiếu khách, hôm đến thăm chợ phiên Sà Phìn, vừa kéo ghế định gọi tô phở điểm tâm, mấy chàng trai dân tộc sà lại, lịch sự giới thiệu tên và xin phép được mời khách phương xa một cốc rượu theo phong tục Việt Bắc. Lúc đầu tôi hơi hoảng, bởi tôi chúa ghét lối uống rượu theo kiểu “Dô - trăm phần trăm”.
Hóa ra không phải, họ nâng cốc rượu ngang mày và không quên chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc - lịch lãm và tao nhã như là quý ông thật sự. Thêm điểm này nữa càng làm tôi ngạc nhiên hơn, những thanh niên dân tộc ấy nói được cả tiếng xin lỗi, xin vui lòng, xin cảm ơn, vốn là loại ngôn ngữ quốc tế mà chỉ những tâm hồn lớn và tầng văn hóa bậc cao mới nói được.
Dulichgo
Hiếu khách, nhiệt tình, tốt bụng, lịch sự… đó là đặc điểm thứ nhất của người Hà Giang. Trong thời buổi con người sống với nhau chẳng ra gì, động một chút là nổ, là khử, là xử…, mấy ngày ở Hà Giang, cảm thấy mối quan hệ giữa người với người sao mà an toàn, ấm áp và dễ thương lạ.
Về hai cái nhất kia thì đương nhiên rồi. Công viên đá Đồng Văn nổi tiếng thế giới, được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN). Chiếm diện tích 574,35km2, trải rộng trên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; với độ cao trung bình 1.500m.
Công viên đá Đồng Văn mang trong lòng nó bí mật về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cùng cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa; cũng là nơi có các di tích và danh thắng quốc gia như Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi đôi Quản Bạ… Người Hà Giang có câu nói vịnh về mình cực kỳ biểu cảm: “Sống trong đá, chết vùi trong đá”.
< Cô gái dân tộc e ấp sau cánh cửa.
Kỳ lạ nhất là giữa núi đá cằn khô, suốt đời lam lũ, mà người Hà Giang bao giờ cũng tươi vui, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống; bao giờ cũng với bộ váy thêu sặc sỡ, duyên dáng và đẹp, cho dù đi dự chợ phiên hay lao động nhọc nhằn trên nương rẫy. Phẩm chất ấy khiến ta liên tưởng đến một loài cây đặc trưng của đất Hà Giang - cây gạo.
Tháng ba mùa hoa gạo nở. Dọc theo các cung đường, trên các triền đồi, bên những con suối, hoa gạo nở đầy trời. Không đỏ như hoa phượng, không thắm như hoa đào, không nồng nàn như ngô đồng, hoa gạo là tất cả hoa kia cộng lại.
Riêng cái tâm thế của nó thì không giống ai - thẳng tắp, hiên ngang, ngạo nghễ, nhưng lại bình dị, dân dã. Hẳn nó muốn chứng minh cho đời một chân lý, rằng chỉ trong nắng cháy cằn khô hoa mới nở, trong thiếu thốn khổ đau tình người mới đẹp...
Dulichgo
Về lễ hội, xem ra Hà Giang cũng có nhiều lễ hội thuộc vào hàng đệ nhất. Ví dụ: Chợ tình Khâu Vai. Cách thành phố Hà Giang 180km, bản Khâu Vai nằm trong một thung lũng đẹp, giữa những dãy núi cao chót vót, xa xa là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây mù sương khói. “Đợi anh hết mùa lạnh, đợi anh qua mùa đào. Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với Chợ tình Khâu Vai...”.
Phiên chợ bắt nguồn từ giai thoại được lưu truyền trong dân gian về mối tình của một đôi trai tài gái sắc. Chuyện kể rằng, thuở ấy có chàng trai tộc Nùng và cô gái tộc Giáy tha thiết yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận.
Mối tình nồng cháy của họ khiến hai dòng tộc xảy ra xích mích, dẫn đến can qua. Không đành nhìn cảnh đầu rơi máu chảy giữa những người thân yêu ruột thịt, họ quyết định hy sinh mối tình của mình.
Trước khi xa nhau, đôi trái gái hẹn thề hằng năm, vào ngày họ chia tay (ngày 27 tháng 3 Âm lịch), tại nơi hẹn hò (bản Khâu Vai), họ sẽ lại gặp nhau để thỏa nỗi niềm thương nhớ… Lâu dần, nơi hò hẹn của họ cũng trở thành nơi hò hẹn của bao cuộc tình dở dang khác. Chợ tình Khâu Vai ra đời từ đó.
< Chợ tình Khâu Vai.
Trước đây khách đến chợ chủ yếu là những người gặp tình duyên trắc trở - họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Giờ tuy ai cũng có mái ấm gia đình riêng, nhưng mỗi năm một lần, họ vẫn muốn tìm về với nhau; chia sẻ chuyện buồn vui, và ôn lại kỷ niệm một thời da diết. Có thể cả hai vợ chồng họ cùng đến chợ, để rồi chồng đi tìm người yêu cũ của chồng, vợ đi gặp người tình xưa của vợ. Sáng mai tan chợ, họ lại về với nhau, cùng chung lo hạnh phúc gia đình, và cùng mong chờ mùa chợ năm sau. Không ai lăn tăn, thắc mắc hay ghen tuông. Lãng mạn và đẹp như một bài thơ.
Ngày nay, Chợ tình Khâu Vai còn là dịp để các chàng trai, cô gái trẻ đi tìm kiếm bạn tình. Tiếng khèn, tiếng hát, điệu nhảy, rượu nồng là nhịp cầu cho bàn tay nắm lấy bàn tay, cho ánh mắt quyện vào ánh mắt, cho trái tim hòa cùng một nhịp. Yêu nhau, có thể họ không lấy được nhau. Thì có sao đâu. Mùa chợ năm sau, họ lại tìm về với nhau…
Đúng là có quá nhiều cái nhất trên đất Hà Giang, này nhé: Cam Hà Giang ngon nhất. Bản trường ca sông Lô hùng tráng nhất. Từng có ông chủ tịch tỉnh Hà Giang nổi tiếng nhất.
Con gái Hà Giang lấy chồng sớm nhất (nhiều cô gái trẻ măng, tay dắt đứa lớn, hông nách đứa nhỏ, hỏi có phải em không, trả lời không, là con đấy). Yêu dữ dội nhất (chàng trai người Mông, đêm tân hôn dùng dao chặt hết ván giường, chỉ để lại mảnh nhỏ vừa đủ cho một người nằm).
Dulichgo
Tình nghĩa vợ chồng đằm thắm nhất (từ chợ phiên về, anh chồng say túy lúy lăn ra đường ngủ, chị vợ chống dù che mưa nắng cho chồng, đợi chồng tỉnh lại rồi dìu nhau về bản), vân vân và vân vân.
Riêng cái đèo Mã Pí Lèng không thôi đã có tới hơn nửa tá nhất rồi: là cung đường đèo hiểm trở nhất, được thi công chỉ bằng sức người gian khổ nhất, xuyên qua ngọn núi cao nhất, số ngày công lao động nhiều nhất, trong thời gian lâu nhất, tổn thất nhân mạng nhiều nhất, khu vực đỉnh đèo là điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất, và hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Nhưng để đến được với những cái nhất của Hà Giang, bạn phải đi qua chặng đường 200km hiểm nguy nhất. Đó là những cung đường nhỏ hẹp, quanh co, gấp khúc, chênh vênh giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút, trong đó có đèo Mã Pí Lèng được mệnh danh là vua của các con đèo Việt Nam.
Bù lại những lúc phải thót tim, nín thở là khoảnh khắc thảng thốt tuyệt vời trước cảnh quan hùng vĩ và đẹp đến ngẩn ngơ. Đó là những chóp núi nhọn hoắt vấn vương mây khói, là những bản làng cheo leo trên các sườn non, là những mảnh ruộng bậc thang như tranh vẽ, là cây đại thụ bỏ quên từ hàng trăm năm trước che bóng cả một vùng, là cây đào nở muộn vẫn thắm như mới đầu xuân; là những cụ bà váy áo sặc sỡ, khuôn mặt in dấu thời gian và nụ cười Di Lặc; là những cháu bé khăn quàng đỏ, nói cười hồn nhiên trên đường đến trường - Cố lên các cháu nhé…
Bỗng nhớ về cô chủ quán người dân tộc ở chợ phiên Sà Phìn: 14 tuổi, đẹp như người mẫu, “hiền như ma xơ”, mới lớp bốn đã phải bỏ học lăn lóc chợ đời. Sao thế cháu ơi. Cô bí thư tỉnh đoàn Hà Giang cũng người dân tộc như cháu, cũng xinh đẹp như cháu, vậy mà cô ấy tốt nghiệp đại học, là cán bộ lãnh đạo đoàn, còn cháu, cái gì đang chờ đợi cháu phía trước!
Không biết cháu có biết rằng chỉ có chữ nghĩa mới là đôi cánh giúp cháu bay lên, bay qua khỏi cái thung lũng chật hẹp này, bay qua khỏi dãy núi cao vời kia, đưa cháu đến những khung trời rộng mở tốt lành, nơi đó cháu có cơ hội làm chủ vận mệnh đời mình… Ước gì tôi có thể nói với cháu điều ấy.
Dulichgo
Sau cùng, xin nói về cái nhất trong những cái nhất của Hà Giang: Cột cờ Lũng Cú. Như nóc nhà, Lũng Cú là điểm cực Bắc trên bản đồ Việt Nam, là biểu tượng thiêng liêng chủ quyền Tổ quốc. Thời nhà Lý, trong dịp hội quân trấn ải biên thùy, Lý Thường Kiệt cho dựng tại đây một lá cờ đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Từ đó, lá cờ được liên tục duy trì trên bầu trời biên cương Tổ quốc.
Cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh trên đỉnh núi Rồng thuộc địa phận Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ở độ cao 1.500m. Trong quá trình lịch sử, qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu… cột cờ hiện nay được xây dựng và hoàn thành năm 2010 dựa theo mô hình cột cờ Hà Nội; tổng chiều cao 34,85m, đường kính 3,82m, lá cờ rộng 54m2 tiêu biểu cho 54 dân tộc anh em, đường từ chân núi lên đỉnh cột cờ tổng cộng có 893 bậc cấp.
Từ đây, có thể nhìn bao quát bản làng trù phú của các dân tộc Mông, Lô Lô, Tày, Giáy, Pu Péo. Không xa mấy về phía bắc là hòn núi nhỏ, trên đỉnh có cột mốc xác định biên giới giữa bên này là máu thịt của Tổ quốc mình, bên kia là đất đai của người bạn láng giềng môi hở răng lạnh; xa hơn chút nữa là con sông Nho Quế lặng lẽ chảy vào Việt Nam.
Tôi chụp nhiều ảnh trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú. Hy vọng những tấm ảnh ấy sẽ góp phần khắc sâu kỷ niệm lần đầu viếng thăm biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc; và tôi cũng muốn qua đó để nhắc nhở con cháu mình rằng trong đời có những giá trị không bao giờ được lãng quên.
Theo Nguyễn Văn Dũng (Doanh Nhân SG)
Du lịch, GO!
Hà Giang đẹp lắm mọi người ơi, mình biết có dịch vụ xe là vietnam motorcycle tours Loop Bike Tours về Hà Giang nhứt nách luôn
Trả lờiXóa