Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Vô tư… thiếu văn hóa!

(NLĐ) - Một bộ phận giới trẻ đã thưởng thức nét đẹp văn hóa bằng những hành động thiếu văn hóa, điển hình là việc vô tư giẫm đạp, phá nát những cánh đồng hoa trải dài khắp đất nước

< Cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Nội bị nhiều bạn trẻ giày xéo, “tự sướng” chỉ để chụp vài tấm hình đăng Facebook!

Từ Hà Nội cho đến Nghệ An, Lâm Đồng…, hàng loạt cánh đồng hoa tam giác mạch, hướng dương... đã bị giẫm nát không thương tiếc những ngày gần đây. Dư luận không khỏi… ngơ ngác, chẳng thể hiểu nổi cách thưởng thức văn hóa của một bộ phận giới trẻ!

Tan nát đời hoa

Dù thung lũng tam giác mạch ở đường Nhật Chiêu, quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã đóng cửa gần một tuần nay nhưng câu chuyện hoa bị đối xử tàn bạo vẫn là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn mạng.

Hình ảnh những khóm hoa bị giẫm nát, những cành cây xanh ngả nghiêng hoặc đổ rạp, những luống hoa thẳng tắp trở nên trơ trụi sau vài ngày vườn hoa mở cửa miễn phí cho khách tham quan, chụp hình đã khiến nhiều người xót xa.

Người ta xót cho những bông hoa đẹp bị vùi dập dưới những đôi chân, bàn tay vô ý thức. Xót cho công sức của anh Bùi Mạnh Hiếu, một người yêu cái đẹp, đã bỏ công sức và tiền bạc của mình để trồng một cánh đồng các loài hoa đẹp như tam giác mạch, hoa cải, hoa ly, hoa bướm… Xót cho cả ý tưởng mở cửa miễn phí cho du khách tham quan và chụp hình từ ngày 27-11 đến 3-12 của ông chủ trẻ tuổi này.
Dulichgo
Dự định mở cửa 7 ngày nhưng chủ nhân cánh đồng hoa này đã phải vội vàng đóng cửa vì lo sợ nó sẽ bị biến mất dưới tình trạng giẫm đạp không thương tiếc của nhiều khách tham quan, cho dù anh đã cắm nhiều biển thông báo nhiều nơi và nhân viên bảo vệ liên tục nhắc nhở người đến chụp hình.

Ý thức quá kém những người trẻ đã khiến ông chủ vườn phải thốt lên “thực sự rất buồn”. Nỗi buồn ấy cũng là tâm trạng của những người sở hữu cánh đồng hoa hướng dương ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hàng ngàn người đổ về cánh đồng hoa này cuối tuần qua đã dẫn đến tình trạng thảm thương khi những bông hoa bị vặt trụi, giẫm nát. Thậm chí, có nhiều thanh niên thiếu ý thức còn thản nhiên giẫm đạp, nhảy múa và dùng tay đấm tung những bông hoa hướng dương lên trời. Họ còn tươi cười “tự sướng” để những người đi cùng chụp ảnh, quay phim!

< Vườn hoa cải bị khách giẫm đập thành lối mòn.

Những hình ảnh này đã được ghi lại và đưa lên Facebook khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ. Chưa hết, theo phản ánh của công nhân nhà máy sở hữu cánh đồng hoa này, nhiều thanh niên còn cố ý phá hoại, xả rác bừa bãi khiến họ thêm bận rộn vì phải dọn dẹp.

Trước những hành động xấu xí này, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, cho biết từ ngày  1-12, UBND huyện đã trực tiếp làm việc, yêu cầu điều phối lực lượng công an đến cánh đồng hoa hướng dương nhằm bảo đảm trật tự an ninh, an toàn tuyệt đối cho hành khách lưu thông qua tuyến đường và những người tham quan cánh đồng.

Theo ông Sơn, UBND huyện Nghĩa Đàn sẽ kiên quyết xử lý những cá nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ​mỹ quan. ​Hiện tại, Công an huyện Nghĩa Đàn cũng truy tìm danh tính một số thanh niên quay clip giẫm đạp, bẻ hoa tung lên mạng, nhằm xử lý kịp thời đối tượng có hành vi không đúng.

Trong khi đó, tại vườn hoa hướng dương ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng cũng đã huy động hơn 12 chiến sĩ gồm cảnh sát hình sự, lực lượng an ninh của 2 xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Lâm (nơi có vườn hoa) để bảo đảm an toàn cho du khách tham quan, tránh tình trạng phá hoại cũng như các vấn đề khác. Số cảnh sát này có cả người mặc cảnh phục và thường phục nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh.
Dulichgo
Cùng chung số phận, cánh đồng hoa hướng dương ở tỉnh Lâm Đồng cũng tan tành không kém. Bên cạnh những hình ảnh đẹp đưa lên Facebook, hình ảnh những luống hoa bị khách tham quan giày xéo khiến không ít người phẫn nộ vì ý thức của một bộ phận  giới trẻ quá kém. Chỉ vì một vài bức ảnh khoe trên Facebook mà họ vô tư làm hỏng cả khu vườn hoa đẹp.

Trước đây, tình trạng “cướp” hoa, bẻ cành, làm “tan nát một đời hoa” tại lễ hội hoa anh đào, lễ hội hoa Hà Nội đã khiến nhiều người lên tiếng vì quá xấu hổ. Nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ trước những hành vi xấu xí, không chấp nhận được này. Đến nỗi, lãnh đạo TP Hà Nội quyết định dừng, không tổ chức lễ hội hoa này, nhằm ngăn chặn những hành động phản cảm xảy ra.

Thiếu tự trọng, không biết xấu hổ

GS Ngô Đức Thịnh - nhà nghiên cứu văn hóa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian - khi phân tích về hành vi xấu xí của những người trẻ, đặc biệt trong số này có rất nhiều sinh viên, cho rằng đó một phần là hậu quả của một nền giáo dục chỉ dạy kiến thức mà chưa chú ý đến đạo đức, nhân cách.

“Người Nhật có câu “trẻ em không cần phải thông minh, chỉ cần có nhân cách tốt”. Thế nhưng, nền giáo dục Việt Nam chưa thể tạo nên những con người có cách ứng xử có văn hóa cao” - GS Thịnh ưu tư. Ông cho rằng người Việt Nam ai cũng yêu cái đẹp nhưng lại chỉ muốn giữ cho nhà mình đẹp, còn nhà người khác hay ngoài đường phố thì không quan tâm.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, những hành động vừa qua của giới trẻ xuất phát từ 3 nguyên nhân. Trong đó, đầu tiên là tâm lý đám đông, chạy theo nhau mà không có ý thức tôn trọng cộng đồng. “Tâm lý của nhiều người là người khác “phá” được thì mình cũng phá được, chỉ cần có một vài tấm ảnh đẹp, còn hậu quả của việc làm đó thế nào họ không quan tâm” - TS Lâm lý giải.
Dulichgo
Nguyên nhân thứ hai, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, là một bộ phận giới trẻ hiện nay không có thói quen ứng xử văn hóa chuẩn mực. Cuối cùng, quan trọng nhất, là họ không biết xấu hổ, không có lòng tự trọng. “Tôi thấy ngạc nhiên là họ tạo ra những hậu quả hết sức xấu hổ nhưng lại không xấu hổ vì việc ấy. Chỉ vì những cú bấm like ảo trên mạng mà sẵn sàng làm những việc không chấp nhận được, thậm chí gây ra hậu quả đáng buồn” - ông Lâm nhận xét.

Kêu gọi suông, không ăn thua!

“Đây không chỉ là hiện trạng rất xấu xí về ý thức văn hóa nơi công cộng của giới trẻ mà còn của cả cộng đồng. Không chỉ bẻ hoa, giẫm đạp, họ còn thản nhiên bê cả hoa về nhà mình như đã từng diễn ra ở lễ hội hoa Hà Nội mấy năm trước. Cứ thử ngồi ở các quán ăn thì thấy, giấy lau vứt tràn lan ra đường, ngay dưới chân mọi người, trông rất nhếch nhác” - TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, nêu thực trạng.

TS Vịnh nhấn mạnh ngoài giải pháp giáo dục ý thức cho giới trẻ, cần phải có những chế tài xử lý nghiêm những hành vi này. “Cùng với việc kêu gọi người dân có ý thức tôn trọng cộng đồng thì phải có lực lượng giám sát, bảo vệ xử phạt tại chỗ đối với những hành vi vi phạm. Chỉ kêu gọi suông thì không ăn thua. Tôi thấy như cách phạt nguội người vi phạm giao thông qua camera ấy, người dân bị đánh vào túi tiền thì họ đi xe sẽ có ý thức ngay” - ông Vịnh so sánh.

Ý thức cộng đồng của nhiều người rất kém

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng nhiều người sẵn sàng mang rác quẳng ra phố bởi ý thức cộng đồng của họ rất kém. Họ chỉ cần tiện cho mình, còn làm gì bất tiện và xấu cho người khác thì không phải là điều đáng để ý.

“Tâm lý này đã dẫn đến không thể có một môi trường văn hóa phù hợp để những người xử sự thiếu văn hóa phải xấu hổ. Hà Nội đưa sách “Giáo dục nếp sống văn minh” vào dạy học sinh từ tiểu học nhưng với môi trường hiện nay thì không hào hoa phong nhã nào tồn tại được. Cứ đưa ra những tiêu chuẩn nhưng không có môi trường thì làm sao áp dụng vào thực tế được?” - GS Ngô Đức Thịnh băn khoăn.

Theo Người Lao Động
Du lịch, GO!

1 nhận xét:

  1. quá quen với những cảnh 1 thức kém du khách rồi
    north vietnam motorbike tours Loop Bike Tours

    Trả lờiXóa