(VnExpress) - Xe côn tay - phải biết dùng 'chiêu' mới thấy thú! Nếu chỉ quan niệm côn dùng để vào số sẽ không thể hiểu được cái thú của người đi xe côn tay hoặc số sàn, độc giả Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
Khi miền Nam giải phóng, lần đầu tôi tiếp xúc các loại xe máy từ côn tay, ga, côn tự động. Xe côn tự động phổ thông nhất hồi đó là xe 50 phân khối, gọi là xe dam hay Honda nữ. Xe côn tay phổ thông nhất là Honda 67, trên đó là Honda 90, Vespa, Sprint, Lambretta hồi đó được coi là "quý tộc". Thời đó, thực sự xe côn dành cho nam giới, xe côn tự động của phụ nữ nên Honda 50 mới có tên là xe dam hoặc Honda nữ. Tuy nhiên cũng có những chị em cưỡi 67 trông rất ngầu mà đẹp.
Qua năm tháng, tôi thấy xe côn tay thực sự có nhiều ưu điểm. Bởi thế nhiều lần đổi đời vẫn thích Honda 67, Win 100, Dealim 125 và giờ là Yamaha FZ16. Ôtô thì vẫn số sàn. Chỉ có điều bạn phải hiểu những ưu điểm để khai thác nó, phải biết dùng “chiêu".
Nếu quan niệm côn chỉ để vào số thì không có gì để nói cả. Giống như ngựa hay mà không biết huấn luyện sẽ chỉ là ngựa thường. Qua bài này xin chia sẻ với bạn đọc kinh nghiệm sử dụng xe côn.
Loại bỏ cảm giác giật khi đường xấu
Gặp đường xấu, người đi xe ga hay côn tự động cảm thấy bị giằng giật dù giảm tốc. Người ngồi ôtô ngoài mệt mỏi còn có thể bị say. Nhưng với xe côn chỉ cần cắt côn khi xe hụt xuống, nhả ra khi nó nhoi nên sẽ giảm giằng giật. Nếu chạy nhanh có đủ trớn qua mô thì cứ cắt côn vượt qua, tùy cảm nhận tốc độ và tình trạng mặt đường. Ấn nhả côn, ga nhịp nhàng tùy tốc độ. Nếu kỹ thuật tốt thì xe vượt qua đường xấu trơn chu hơn rất nhiều.
Trường hợp mang tải lớn vượt đường xấu nếu không sử dụng kỹ năng này, hoặc tốc độ không hợp lý sẽ gây giật mạnh. Phản lực từ đường có thể phá vỡ hộp số hoặc gẫy trục láp.
Vượt đường lầy
Trên đường lầy lội, vào số thấp rồi nhấn ga cố vượt qua đôi khi làm bánh chìm sâu hơn trong vũng lầy. Nếu làm cách thông thường mà xe chìm sâu hơn hãy sử dụng phương pháp "Triệu Tử Long cứu chúa khi ngựa sa xuống hố". Đạp côn, về số 1, nhấn ga hết cỡ, nhả côn nhẹ khi bạn cảm thấy đã ăn với máy, bánh xe hơi quay thì lập tức nhả côn nhanh để làm cú nhảy vọt giống như Triệu tử Long quẩn cho con ngựa cú roi bất ngờ để nó chồm lên vọt qua hố sâu. Ôtô hay xe máy đều làm phương pháp như vậy.
Thoát ổ gà
Triệu Tử Long dùng phương pháp rất hay nhưng người ta bình rằng nếu không có ngựa tốt thì cũng chẳng có hiệu quả. Vì vậy chiếc xe côn của bạn trong trường hợp này nó chính là con ngựa tốt giúp bạn thoát khỏi cảnh nằm lại giữa rừng hoặc cánh đồng mông quạnh nào đó.
Vượt "sông" bất đắc dĩ
Vào mùa mưa nhiều khi ngay trong thành phố vẫn phải vượt "sông" bất đắc dĩ. Các đoạn xe nối đuôi nhau, làn sóng nước đôi khi khiến xe chết máy, khởi động lại ở ngay chỗ ngập thật nguy hiểm. Những lúc thế này mới thấy giá trị. Chỉ cần âm côn, rú ga, nhả côn nhích tới nếu thấy xe rung có xu hướng lịm thì ngay lập tức đạp côn. Cứ làm như vậy để vượt.
Tránh tai nạn bất ngờ
Đang chạy với tốc độ cao, bất ngờ gặp ổ gà hay "sóng lượn trâu" phanh không kịp và ít có tác dụng. Hãy bóp côn giữ chặt tay lái, nhiệm vụ còn lại để xem lực đó có hất văng bạn vào lề đường không? Thông thương cách này xe côn sẽ thoát. Với xe ga hoặc côn tự động giữ chặt tay lái đồng nghĩa với không giảm ga đôi khi còn tăng ga làm lực giật còn tăng mạnh hơn và chắc hẳn sẽ dễ bị "ăn trầu".
Nhiều người nói rằng khi tông vào chó đến 99,9 % bạn bị hạ. Thế nhưng với phản xạ trên tôi từng thoát nạn. Hồi ấy, tôi đang cưỡi em Honda 67 chạy tốc độ 60 km/h bất ngờ tôi đâm vào một chú chó. Đến giờ nghĩ lại, tôi nghĩ nếu lúc chạy Honda 50 không ngã gãy tay, gãy chân thì cũng "mẻ" trán.
Khó chiều ngựa quý khi say
Nếu chẳng may quá chén say khướt, và cầm cương chú ngựa khó tính như xe côn, tôi tin chắc bạn sẽ không thể về nhà được. Còn với cái tính dễ dãi của xe máy ga hoặc xe số tự động đôi khi lại dẫn "chàng say' tới thẳng bệnh viện.
Cơ động trong phố đông
Mỗi khi chạy một xe máy côn hoặc ôtô số sàn, tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều, rất cơ động và linh hoạt trong phố đông. Nhiều người nói rằng đi xe côn ở phố đông vất cả hơn nhiều, nhưng thực ra đó là vì họ chưa hiểu.
Sau khi miền nam giải phóng, nạn cướp giật hoành hoành ở Sài Gòn. Từ đây xuất hiện đội săn bắt cướp với những chiếc Honda 67 “xoáy nòng". Nhờ sự linh hoạt, cơ động phần thắng trong những cuộc rượt đuổi luôn nghiêng về các chiến sĩ săn bắt cướp.
Ngày nay những chiếc xe côn vẫn là công cụ chủ yếu của lực lương cơ động, săn bắt cướp. Với điều kiện lưu thông phức tạp trên đường phố chiếc xe côn với những kỹ năng âm côn, vù ga lấy trớn, vào số xe dọt tới, dừng lại bóp côn, vù ga lấy trớn dọt tới thật linh hoạt và cơ động.
Xe ga, xe côn tự động chạy theo lập trình làm sao thoát khỏi những cú rượt đuổi đó?. Bên cạnh sự dũng cảm, khéo léo của người điều khiển nếu không có chiếc xe tốt bạn không thể làm được điều mà bạn muốn. Những cú âm côn, rồ ga tạo lực đấy rồi chuyển số tùy ý 53421 tùy tình huống chỉ có thể làm được với xe côn mà thôi.
Vượt xe nhẹ nhàng thỏa mái
Khi đi đường trường, hoặc đường đèo dốc cần vượt đoàn xe nối đuôi nhau, một lần nữa mới thấy xe côn thật đáng yêu làm sao. Những cú tăng tốc vượt qua, rồi giảm tốc tạt vô, rồi lại tăng tốc vượt qua thật sự rất phấn khích.
Đọc đến đây sẽ có bạn cho rằng đi số tự động vượt vẫn tốt. Xe công xuất lớn không nói làm gì. Xe công suất trung bình hoặc thấp như kiểu dung tích 1,4 lít thì so với xe số sàn những cú vượt mới thảm hại làm sao. Nó ì ạch bò đi, đôi khi đẩy người điều khiển vào vùng nguy hiểm. Vì thế dù công nghệ phát triển đến mấy, xe máy và ôtô đua vẫn là xe côn tay, xe số sàn.
Phức tạp nhưng không khó
Nhiều người ngại đi xe côn vì thao tác phức tạp phải phối hợp côn -ga - số. Lúc mới tập lái vì không quên nên đa phần chạy giật cục, chết máy. Thực tế sự phức tạp đó chưa hẳn do côn - ga - số mà còn một số lý do khách quan khác vi như đa phần các xe côn mà các bạn mới học, mới tiếp xúc là xe cũ, bản thân chúng không tốt, máy móc yếu, garanti không có, côn số cứng ngắc, mỗi lần vào số toát mồ hôi hột. Với một chiếc xe số mới mọi việc khác hẳn, côn có trợ lực đạp nhẹ tưng, số chỉ cần một ngón tay móc cũng điều khiển được.
Một phần nữa khó khăn lại do chính người học tạo ra. Bài bản học "vào ga, ra côn" và ngược lại với người mới học rất khó vì 2 chân không đều. Có thầy lại khuyên đừng dùng côn nhiều mau mòn. Lại thêm việc mới học chưa biết vào số thế nào cho hợp lý.
Kinh nghiệm làm cho việc lái xe côn thật đơn giản
Nếu đi xe ga bạn chú ý nhiều đến chân ga thì khi đi xe côn trong nhiều trường hợp hãy chú ý nhiều đến chân côn. Khởi động máy sau khi đạp côn, lúc vào số 1 chỉ cần chú ý nhả chân côn sao cho từ từ.
Lúc mới học để chân ga thế nào cũng được, ga nhiều thậm chí rồ lớn cũng không sao (mau mòn côn tí thôi). Ga lớn, côn nhả từ từ, xe cũng không vọt lên đâu mà sợ. Lúc này chân côn là chân chủ đạo khống chế tốc độ xe. Trong trường hợp chạy xe mới thì bạn chỉ cần để chân ga nhẹ nhất thậm chí để garanti xe vẫn di chuyển được. Khi xe lăn bánh rồi mới nhấn ga.
Đang chạy gặp chướng ngại vật phải giảm tốc độ hoặc đạp thắng, đừng quan tâm đến số vội, hãy chú ý đạp côn, giữ chân ở đó, rồi tùy tốc độ để vào số. Nếu xe đã đừng lại bạn, hãy về số 1 trở lại bài khởi động, xe chạy chậm thì về số 2,3,4. Trường hợp cảm thấy xe rung như muốn chết máy thì lập tức đạp côn về lại số khác. Hiện tượng về số không hợp chỉ xảy ở người mới tập lái.
Đi trong phố đông
Dòng xe nối đuôi nườm nượp, bạn cứ để số 1, chân ga nhích hờ, chân côn sẽ là chân điều khiển tốc độ xe, nhấp nhả nhẹ nhàng như nhấn nhá chân ga của xe số tự động. Thỉnh thoảng xoay qua đạp thắng nếu cảm thấy sắp đụng xe khác, nhả chân thẳng ra. Muốn chạy, lại nhả côn để xe nhích tới. Mọi việc không khác gì chạy xe số tự động, chỉ khác bên kia thì nhấn ga xe chạy tới bên này nhả côn xe chạy tới. Lúc này thực sự chân ga không có tác dụng nhiều. Đôi khi đi xe máy lúc đông quá dừng lại tôi còn vù ga ầm ĩ để nghe âm thanh thú vị của động cơ.
Leo dốc chậm
Leo dốc chậm hoặc khởi động giữa gốc là thách thức với không ít người, bản thân tôi lúc mới chạy ôtô cũng vậy. Sau đó tôi tự hỏi, xe máy tay côn sao mọi chuyện đơn giản thế, nhưng với ôtô sao lại khác? Rồi tôi phát hiện ra, trên ôtô người ta dùng quá ít thắng tay. Nên nếu tập và sử dụng phanh tay nhiều thì mọi thứ cũng giống xe máy tay côn thôi. Kéo thắng tay, đạp côn, rồ ga ở ôtô chẳng khác gì đạp thắng, bóp côn, rồ ga ở xe máy. Mọi việc như nhau chi khác bên thì tay bên thì chân. Tất cả là do thói quen sinh ra, nên tôi đã luyện dùng thắng thay liên tục.
Như vậy trong mọi trường hợp kể trên bạn cứ tập trung chú ý điều khiển chân côn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Xe côn rất đơn giản và nhiều ưu điểm. Tuy nhiên nhiều người sợ dùng côn nhiều mau hỏng đâm ra lái xe côn như gà mắc tóc thật vất vả. Khi sử dụng nhiều côn bạn cố gắng đảm bảo nguyên tắc như trong bài “ Dùng chân côn đúng cách" của tôi đã được đăng trên mục này thì tôi đảm bảo 100% với các bạn không bao giờ hỏng côn cả.
Thực tế tôi đã đi rất nhiều đời xe côn nhưng hầu như khi rã máy thay bạc tôi mới thay luôn lá côn, nghĩa là côn mòn là lúc máy cũng đã yếu, mà lá côn rất rẻ so với nhiều bộ phận trên xe, việc thay thế cũng chẳng có gì phức tạp. Vì thế bạn cứ mạnh dạn sử dụng côn.
Lựa chọn xe phù hợp
Việc lựa chọn xe đôi khi là do sở thích, đôi khi lại do thói quen. Với những bạn phản xạ tốt thì lái xe côn hoặc ôtô số sàn là lựa chọn hợp lý nhất, còn bạn nữ hoặc những bạn nam không có phản xạ tốt thì lái chiếc xe tự động lại là lựa chọn phù hợp. Điều quan trọng sau mỗi lựa chọn là bạn phải hiểu nó, thao tác thành thạo, có như vậy mới không để xảy ra điều đáng tiếc khi lưu thông trên đường.
Ngựa tốt cần kỵ sỹ giỏi
Với tôi xe máy côn hay ôtô số sàn mới là tuấn mã tốt. Xe ga số, xe số tự động chỉ nhà nhã chứ không phải ngựa hay. Nhiều người cho rằng xu thế xe côn sẽ biến mất nhường chỗ cho xe số tự động, vậy xin hỏi sao người Italy quay lại với xe đạp? Và chẳng lẽ những chiếc iPhone, iPad tiện ích sử dụng biểu tượng, cách kéo thả thì nên văn minh chữ viết lại mất đi? Ngày ấy còn xa lắm, cũng như những chiếc xe côn còn lâu mới biến mất.
Kỹ năng trả số khi lái môtô
Trả số và phanh khi gặp chướng ngại vật là hai kỹ năng nhanh nhất để làm chủ chiếc xe.
Vụng về với một trong hai kỹ năng trả số và phanh dẫn tới mất ổn định, hoặc tệ hơn là xảy ra tai nạn. Những người mới lái môtô thường được "tiền bối" khuyến cáo và hướng dẫn cách phanh cũng như làm chủ tay ga. Hai hoạt động này cần được tách biệt rõ ràng chứ không phải thực hiện vồn vã khi lao tới một khúc cua.
Về cơ bản, việc trả số gói gọn trong ba điều: bóp côn, về số và nhả côn. Tuy nhiên, cần phải để tốc độ tua máy và tốc độ xe bắt kịp nhau, vì thế những người mới đi thường được chỉ dẫn nhả côn từ từ, đó cũng là cách thực hành kiểm soát ly hợp hiệu quả. Nếu nhả quá nhanh mà không phanh sẽ dẫn tới tình trạng trượt bánh.
Với những tay lái nhiều kinh nghiệm, họ nhả côn nhanh hơn, kết hợp với tay ga nhạy cảm. Khi giảm vòng tua máy để về số sau đó tăng trở lại khi nhả côn, tay ga mồi sớm hơn một chút so với tay côn nhả, như thế sẽ giúp tốc độ động cơ gặp tốc độ xe mà không cần dùng nhiều phanh. Nếu ngồi sau những tay lái thành thạo, thậm chí có thể không nhận ra khi nào xe trả, lên số.
Cần tập kỹ năng về số thường xuyên bất cứ khi nào có điều kiện. Với người mới, để vào cua dễ dàng, nên tách biệt phanh và về số, không thực hiện cùng lúc mà phanh sớm hơn, về số, mở chút ga và nhả ly hợp. Kết hợp đều đặn những động tác trên cho tới khi thành phản xạ, không cần phải chú ý xem tay ga mở bao nhiêu thì vừa.
Khi đã thành thạo, bắt đầu tập kỹ năng khó hơn một chút, đó là phanh và về số cùng lúc. Để thực hiện tốt điều này, cần ghi nhớ luôn lái xe với hai ngón tay đặt sẵn trên tay phanh. Bên cạnh đó, cánh tay cũng phải ở tư thế thoải mái, cổ tay không nên hạ thấp so với tay lái, sẽ khó điều khiển khi cần phanh.
Trước khi leo lên xe và phóng, thử tay phanh và tay côn để chắc chắn rằng bàn tay đủ rộng để kiểm soát sự ra vào của côn và phanh. Trong khi nửa thân người bên phải điều khiển phanh và ga thì nửa thân người bên trái lại kiểm soát côn và số.
Mẹo để trả số dễ dàng đó là, người lái chỉ cần kéo tay côn vào một khoảng nhỏ vừa đủ để ngắt côn, không cần thiết bóp hết tay, vừa tốn lực lại gây thêm khó khăn khi nhả côn. Để làm điều này, nhiều tay lái sử dụng hai ngón tay để bóp côn, khi tay côn chạm vào các ngón tay còn lại là khoảng cách vừa đủ.
Cũng có một mẹo nhỏ cho bàn chân khi về số đó là nhấn mũi chân lên cần số trước khi kéo tay côn, đến khi kéo tay côn vừa đủ khoảng để cắt côn, xe sẽ về số dễ dàng. Khi dồn số gấp, không dồn số liên tục 5,4,3... khi đang giữ tay côn mà chỉ thực hiện mỗi lần bóp côn một lần về số, nhanh chóng ra côn rồi vào lại côn cho lần trả số tiếp theo, điều đó sẽ gây nguy hiểm khi tốc độ tua máy và tốc độ xe quá xa rời nhau.
Học cách kết hợp phanh, côn, ga, số nhuần nhuyễn, đi đúng cấp số phù hợp với tốc độ là cách để người lái chinh phục đường đua, ổn định trên đường trường cũng như tách nhanh khỏi đám đông hỗn loạn trên đường phố.
Theo Nguyễn Việt Hà - Minh Hy (VnExpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét