(iHay) - Chúng tôi tới Trạm Tấu khá muộn, tầm hơn 10 giờ sáng, phần vì mải chụp ảnh, phần vì con đường đèo vằn vện nhỏ xíu từ Nghĩa Lộ vào Trạm Tấu cũng làm mất thời gian.
Gặp được bạn dẫn đường, A Chua, một thanh niên người Mông ở bản Tà Xùa, đang chờ ở ngay cầu vào thị trấn Trạm Tấu, với một túi đồ, gồm 3 ký gạo, 2 ký thịt, 2 lít rượu và hai cái nồi để nấu nướng. Chúng tôi làm qua loa bữa trưa rồi hẹn nhau xuất phát, chạy vào mỏ chì ở chân núi để bắt đầu leo cho kịp buổi chiều.
Con đường từ Trạm Tấu vào Mỏ Chì, nơi chúng tôi định gửi xe, quả thật là thử thách tay lái của chiếc 7 chỗ tột độ. Đó chỉ là một con đường mòn lên núi, đường nhỏ, toàn đá hộc, cheo leo một bên vách núi một bên vực thẳm mà không hề có ta luy hay biển báo.
Chúng tôi vừa lái xe vừa nhắc nhau quan sát, bảo đảm an toàn, nhưng khi vừa đến chân núi chúng tôi gặp một thử thách kinh hãi: đang mùa mưa nên cái đập tràn băng qua đường tạo thành một dòng suối lớn, cỡ 10m, nước chảy ầm ào, tưởng như nếu lái xe qua thì toàn bộ chiếc xe sẽ bị cuốn theo dòng nước. Mà bị cuốn như vậy thì chắc cả bốn chúng tôi cũng như cái xe sẽ chẳng thể nào nguyên vẹn.
Dừng xe trước cái ngầm nước chảy cuồn cuộn, chúng tôi có chút thất vọng nửa bất lực, tôi đành nhờ anh bạn dẫn đường, chạy xe máy qua thử. Nước chảy cao hơn nửa bánh xe, lúc xe máy chạy ngang dòng nước làm bánh sau bạt qua hẳn một bên, thấy hãi hãi. Không còn con đường nào khác, chúng tôi đành lên xe, bốn đứa đeo dây an toàn, cầu tất cả thần linh trời phật giúp chúng tôi vượt qua cái ngầm này, rồi một hai ba rồ ga lao qua.
Dulichgo
Lúc xe qua đến giữa dòng thì đột nhiên chiếc xe khực lên mấy tiếng rồi tắt máy, nước bắt đầu cuốn xe trôi, cả xe hét lên kinh hãi, anh bạn nổ máy xe và phát hiện mình chưa tháo thắng tay, nhanh chóng, chiếc xe lại vù ga lao qua dòng nước xiết, cả đám thở phào và không ngớt chỉ trích bạn cầm lái, do quá căng thẳng đã quên hạ thắng tay, làm suýt nữa cả đám trôi xuống vực.
Tiếp tục con đường gian khổ vào mỏ chì, một lần nữa chúng tôi phải băng qua suối, lần này con suối không chảy mạnh bằng nhưng lại sâu hơn khá nhiều, và lại một lần nữa nín thở, cầu khấn cho chiếc 7 chỗ lặc lè bơi qua dòng suối an toàn. Đến mỏ chì thì… cổng đóng, không có ai ở cổng, chúng tôi xuống xe, chuẩn bị ba lô, nước uống, lương thực, lều và túi ngủ.. rồi tìm cách mở cửa vào trong gửi xe.
Cả đám hân hoan bắt tay nhau dưới chân núi, hứa hẹn một cuộc thử sức cam go và nhiều trải nghiệm. Tôi chỉ tay lên một ngọn núi có vẻ cao nhất trong dãy núi trước mặt, chìm trong mây trắng hỏi bạn dẫn đường: giờ lên đó à, đó là Tà Chì Nhù chăng? Bạn cười: không phải, Tà Chì Nhù không nhìn thấy được, đó chỉ là mới nửa đường thôi.
Giàng ơi. Chúng tôi kiếm mấy cây gậy trúc, chắc do khách leo lần trước vứt lại, và chống lên núi.
Đúng 12 giờ 30 trưa, ngay khi đi bộ đến hết hàng rào của mỏ chì, là một vách núi cao ngất, chúng tôi chạm một con dốc dài, gần như dựng đứng, cả đám bắt đầu dùng cả tứ chi để vất vả leo qua con dốc dựng ngược ấy. Khi qua khỏi dốc, chúng tôi gần như đã kiệt sức, bạn dẫn đường chờ chúng tôi ở bên kia dốc đã hỏi nhỏ tôi: mấy anh chị có đủ sức không? Từ đây lên núi chỉ toàn dốc thế này thôi. Đoàn mình đổi ý vẫn còn kịp. Dù kiệt sức, dù thở hồng hộc và mặt đứa nào cũng xanh lè rồi, chỉ có mỗi bạn Thắm vẫn khỏe và tỉnh táo, nhưng chúng tôi vẫn quyết leo cho bằng được. Tôi trả lời bạn dẫn đường: em có mệt không, nếu mệt thì đưa túi đồ đây anh gùi cho, chứ anh thì leo mười cái núi này cũng được. A Chua cười ngất.
Từ đó chúng tôi nhắm cái đỉnh núi mù mây mà lúc đầu tôi nhìn thấy, A Chua gọi đó là Đỉnh Ba Cây, và bắt đầu lần theo con đường mòn quanh co, chỉ vừa jmột người qua, lúc chui vào rừng tối thui, lúc cheo leo vách đá, lúc lại len lỏi giữa sườn núi… đúng như A Chua nói, hầu như chẳng có đoạn nào dễ dàng, đoạn nào cũng dốc ngược, lởm chởm đá hoặc cây, có chỗ không còn đặt được bàn chân để bước. Lúc này mới thấy cái găng tay, đôi giày tốt và chiếc gậy trúc phát huy tác dụng vô cùng.
Leo mãi leo mãi, đến lúc kiệt sức, nhìn thấy mình cũng đã ở trên núi cao, nhìn xuống đã thấy dòng suối ở dưới bé như sợi chỉ, tôi ra dấu dừng chân nghỉ mệt, ba chúng tôi đã thở dốc, mặt từ tái xanh chuyển qua đỏ au mà bạn Thắm vẫn chưa tỏ vẻ gì là mệt. Tôi hỏi A Chua xem mình đã leo được quãng đường bao nhiêu rồi. A chua cười, mới chỉ một phần mười thôi anh ơi, và khẽ nói, với tốc độ này em sợ 5 giờ không thể tới lán ngựa trên đỉnh nổi, chắc chúng ta phải đi đêm, phải 7 - 8 giờ tối mới đến. Ừ thì “bi nhiêu thì bi”, lỡ rồi chơi luôn chớ sao giờ, chỉ kịp làm vội cây socola với uống thêm nước, lại xốc ba lô lên và leo tiếp, đứa này động viên đứa kia cố gắng vượt qua, dù đôi chân đã bắt đầu cứng lại và đau nhức, dù hơi thở đã thực sự kiệt quệ.Dulichgo
Gần đến đỉnh ba cây là ba cái dốc ngược, dài và gần như dựng đứng. Lúc này chúng tôi hầu hết đang cố gắng đi bằng 300 - 500% sức của mình, nhất là hai gã đàn ông bốn mươi hai tuổi to béo, cứ gần như leo chục bước lại phải dừng thở, duy chỉ bạn Thắm vẫn leo băng băng. Bắt đầu lên đỉnh ba cây cũng là lúc chúng tôi bắt đầu đi lên trong mây mù mịt mờ. 4 giờ chúng tôi mới leo lên đỉnh ba cây, sau 3 giờ 30 leo dốc ngược. Sau khi dừng nghỉ chút, chúng tôi bắt đầu vào một khu rừng rậm, chủ yếu là rừng trúc lá nhỏ, đoạn đường rất đẹp nhưng hầu như chúng tôi không còn để ý vì nỗi lo màn đêm sập xuống, và leo núi ban đêm là điều chẳng mấy ai thích thú.
Sau khi luồn qua khu rừng rậm thì chúng tôi bắt đầu đi trên những sống núi cheo leo, có đoạn cả hai bên đều là vực sâu hun hút, lúc này trời bắt đầu nổi gió, và mối lo sợ của tôi bắt đầu thành sự thật, trời sập xuống tối mịt mù, mưa rơi như trút, gió ào ào. Chúng tôi dừng bên một mô đất cao, mặc bộ quần áo đi mưa, của một bạn trẻ đầy kinh nghiệm ở Hà Nội, đã rất chu đáo gửi tặng đoàn trước khi đi. Từ 5 giờ 30 chiều, chúng tôi leo núi trong đêm tối, trong mưa rừng tầm tã và gió núi thổi ầm ĩ. Lúc này hai bạn dẫn đường đã đi trước khá xa, bạn cần lên núi sớm hơn chúng tôi để tìm chỗ cắm trại và nhóm lửa. Chúng tôi dắt nhau chậm rãi men theo sống núi, lúc lên lúc xuống, chỉ với một cây đèn pin nhỏ xíu soi đường trong cơn mưa tối mặt tối mũi, nước dưới chân chảy thành dòng như suối.
Chúng tôi bắt đầu quá mệt và quá căng thẳng, chỉ một cú ngã, một cú trượt chân lúc này cũng có thể tiêu đời, không ai cứu được mình nữa. Do tốc độ di chuyển khác nhau, chúng tôi bắt đầu tách nhau ra, chỉ còn nhìn thấy nhau qua ánh đèn pin loang loáng trong mưa, thỉnh thoảng ới lên một tiếng, nếu còn nghe nhau ới lại thì đi tiếp, còn không nghe thì đứng chờ. Lúc này ai cũng sợ, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về nhiều thứ, về nguy hiểm, về cái chết, về cái việc liều lĩnh mà mình đang làm, đội mưa đêm leo lên núi.
Dulichgo
Bao nhiêu sợ hãi, mệt mỏi cũng chỉ là thoáng qua, rồi chúng tôi vẫn phải đi, vì không thể dừng được, rồi cơn mưa cũng ngớt, và chúng tôi cũng lên đến chỗ cắm trại. Mặt trăng hiện ra sau sườn núi, ngang lưng chúng tôi, đỏ lựng và lộng lẫy, chúng tôi chờ nhau, mặc cả áo mưa cùng ôm nhau trên núi mà mừng rơi nước mắt. Tới rồi. Chúng ta đã làm được. Lúc này là 7 giờ 15. Đã gần 7 tiếng đồng hồ chúng tôi leo núi liên tục. Đứa nào cũng đói lả, lạnh run, nhưng đứa nào cũng hạnh phúc.
Bạn dẫn đường, A Chua, lúc này đi ra từ khu rừng gần đó, vác theo một khúc gỗ dài và bắt đầu chẻ nhỏ cây gỗ, dù là một cây gỗ ướt nhưng bạn cứ chẻ nhỏ chẻ nhỏ mãi trong lúc chúng tôi dựng lều, thay quần áo ướt thì bạn bắt đầu nhóm được ánh lửa đầu tiên. Chúng tôi ngồi quanh đống lửa, bắc nồi nấu cơm và vui cười với nhau, bàn tay bàn chân lạnh giá để sát đống lửa cho ấm lại. Chúng tôi cùng cười, mà không hiểu vì sao chúng tôi đã làm được điều đó, trong một buồi chiều leo ngược lên đỉnh núi cao tựa mấy lần tòa nhà Bitexco.
Bữa tối diễn ra khá đơn giản nhờ tài khéo léo của A Chua, một nồi cơm nóng và một nồi thịt kho, với can rượu, ăn xong đứa nào cũng như phục hồi sinh lực, dù lúc này trời khuya và sương xuống giá buốt, chúng tôi vẫn nán lại bên bếp lửa, hong khô quần áo và trò chuyện. Mừng vui vì cuối cũng cũng chiến thắng chính mình qua thử thách khắc nghiệt này, cùng chờ đợi bình minh lên để được ngắm mây trên đỉnh Tà Chì Nhù.
Sau khi đã hoàn hồn và phục hồi sinh lực với bữa cơm dã chiến thì lúc này chúng tôi bàng hoàng phát hiện, do chuẩn bị đồ đi mưa chưa kỹ, toàn bộ lều, giày vớ, túi ngủ, quần áo khoác đã bị thấm nước, cả đám bắt đầu lục tục đem đồ ra đống lửa hong khô, đó là lý do chúng tôi chẳng thể ngủ sớm.
Càng về khuya những đám mây càng kéo qua đỉnh núi nhiều, làm sương nặng hạt hơn và chúng tôi không thể chịu nổi cái lạnh của đất trời trên cao, đành khoác tạm cái áo còn ẩm, chui vào cái túi ngủ còn ẩm và cái lều lỏng bỏng nước để ngủ. Mới đầu thì còn được, càng về khua thì càng lạnh, lạnh đến mức chẳng thể nào ngủ được, đành cố gắng trùm kín giữ nhiệt và run lẩy bẩy, chập chờn chờ sáng.
Buổi sáng, chúng tôi dự định sẽ leo nốt quãng đường lên định để ngắm mây, chỗ chúng tôi cắm trại chỉ còn cách đỉnh một sườn núi. Nhưng khi chui ra khỏi lều thì cả bốn đứa đều không đứng vững, do cái chân bắt đầu đau nhức cộng với một đêm mất ngủ nên đứa nào cũng phờ phạc. Đang bàn nhau chuẩn bị đồ lên đỉnh núi thì bạn A Chua bảo, các anh chị lên đỉnh núi ngắm mây à, mây ở dưới này rồi, trên đỉnh không còn mây đâu. Nhìn ra phía tay bạn chỉ, khi trời dần hửng sáng, chúng tôi nhìn ra ngay dưới chân chúng tôi là một biển mây trắng bồng bềnh, trải dài đến cuối chân trời.
Cả nhóm như vỡ òa, quên mất việc cần leo lên đỉnh núi, cứ thế tràn ra chụp ảnh, đủ các kiểu ảnh, từ lúc mờ mờ sương sớm đến khi mặt trời lên chói chang, biển mây cứ như thế, mỗi lúc một dày thêm, trắng hơn và bồng bềnh trôi, chỉ lộ ra từng mỏm núi xa xa. Chúng tôi chạy lăng xăng, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn nhau về cảm xúc khi đứng trên biển mây bạt ngàn của Tà Chì Nhù mà quên cả ăn sáng, quên cả cái mặt trời lên đỏ lựng trên đầu.
Dulichgo
Lúc quay vào lều dọn dẹp lều trại và ăn sáng, A Chua thông báo là chúng tôi không nên lên đỉnh, vì lên đó không còn mây nữa, và sẽ phải mất thêm thời gian để trở về chân núi, lúc này cũng đã gần trưa rồi. Nhưng cái quan trọng nhất, theo A Chua, là mây thấp thì lát nữa sẽ có mưa to, mưa to làm suối chảy mạnh và có thể chúng tôi sẽ không thể vượt qua suối trên đường về, và nếu vậy, khả năng phải ngủ thêm một đêm nữa trên núi là rất cao. Nghe vậy cả đám cũng hoảng, bèn nhanh chóng thu dọn đồ đạc, lều chõng.
Chúng tôi phát hiện đã hết nước sạch đem theo, giờ phải chờ nấu nước hoặc dùng nước uống qua bộ lọc. Đây là một bộ dụng cụ khá hữu ích cho các bạn leo núi hoặc đi bộ đường rừng, bạn Thắm được tư vấn nên đã sắm và thực tế nó rất hữu dụng. Bao gồm một túi nước để trong ba lô, không chiếm diện tích, túi nước có vòi dẫn ra và bạn có thể hút nước trên đường mà không cần dừng lại hay dùng chai lọ, ống hút này có thể gắn vào một bộ lọc nước mini, có thể lọc từ nước bẩn thành nước sạch, không có vi khuẩn và tạp chất để uống được ngay. Chúng tôi quyết định vẫn nấu một nồi nước nhỏ mang theo, còn hai túi nước trong ba lô thì uống qua bộ lọc (uống chung, chúng tôi hay nói đùa là “ê đứng lại cho tao bú miếng”).
Chúng tôi nhắc nhau dọn dẹp sạch sẽ khu vực cắm trại, gom rác lại, đồ ăn thì đổ ra cho dê hoặc thú rừng ăn, túi giấy các chất dễ cháy thì đốt sạch, còn cái nào không cháy thì gom lại đem về. Đến 9 giờ 30 sáng chúng tôi mới xong, chụp vài kiểu ảnh và bắt đầu xuống núi.
Quang cảnh đỉnh núi khác hẳn đêm mưa hôm qua chúng tôi leo lên, cảnh đẹp, mây vẫn lượn lờ chung quanh, và cơ bản là, chúng tôi không cảm thấy mệt, chỉ hơi đau chân do cứ phải dúi mũi giày bám vào các vách núi để trượt xuống. Chúng tôi cứ dừng chụp ảnh mãi và cười đùa với nhau suốt trên chặng đường xuống, cứ nghĩ sẽ nhẹ nhàng nhưng bắt đầu thấy có sự đau chân càng lúc càng nặng.
Cơn đau xuất phát từ đùi, đến dây chằng đầu gối và cuối cùng là lòng bàn chân và các ngón chân… đau hơn lúc leo lên nhiều. Tôi và bạn Thắm đau nhiều do giày cả hai chúng tôi đều có đế hơi dày, mũi giày hơi cứng. Đường xuống nguy hiểm hơn đường lên gấp chục lần, do không có điểm bám và sự trơn trượt từ cơn mưa đêm qua để lại.
Dulichgo
Do chân đau, đường trơn, chúng tôi bắt đầu ngã, đầu tiên là các bạn nữ ngã, rồi các bạn nam ngã, lúc đầu chỉ trượt chân, phịch xuống nhưng rồi sau chúng tôi ngã nhiều hơn, rơi từ cao hơn, đau hơn. Có lúc bạn tôi ngã từ trên cao xuống nghe tiếng “độp” rất lớn và phải nằm lặng đến chục phút do đau. Cứ đà này chúng tôi có khả năng chấn thương, có thể là nặng hoặc mất mạng nếu rơi xuống vực sâu. Có lần tôi ngồi trước bạn Thắm, bạn trượt lăn từ trên cao xuống, tôi kịp chặn lại nếu không bạn đã bay luôn xuống sườn núi.
Trở lại đỉnh Ba Cây, chuẩn bị xuống qua ba sườn núi dốc thẳng đứng, chúng tôi phải dừng nghỉ, cởi hết giày vớ cho đôi chân nghỉ ngơi, lúc này bàn chân đau buốt đến mất cảm giác, chúng tôi thậm chí đi cũng không vững, dù chẳng đứa nào mệt, chỉ một cảm giác: đau. Lọ mọ, dìu nhau từng bước một, có chỗ phải ngồi xuống trượt và nắm bất cứ thứ gì nắm được để xuống núi, chúng tôi lại ngã, tôi ngã 4 - 5 lần, có bạn ngã đến chục lần. Càng về sau ngã càng nặng, do phản xạ kém dần.
Chúng tôi băng qua khu rừng rậm, dự định sẽ đến dòng suối, cởi hết giày vớ, xắn quần và ngâm đôi chân trong nước lạnh chút để bớt đau rồi mới đi tiếp. Nhưng dự định không thành, vừa đến giữa lòng suối thì trời đổ mưa như thác, chúng tôi lại nai nịt áo mưa, lầm lũi bước tiếp, do sợ nước trên thượng nguồn xuống sẽ cuốn cả đám.
Lầm lũi đi, hết mưa lại hửng rồi lại mưa tiếp, hết lội nước lại trượt, lại ngã, hai cái chân đau đến mức buốt lên tận đầu. Tôi không còn dìu nổi bạn Thắm, hai chúng tôi tụt lại phía sau. Cứ nhắc nhau, chắc chút nữa sẽ tới, sắp tới rồi, cho bớt căng thẳng. Ba ngọn núi cuối cùng thực sự là thử thách khắc nghiệt nhất mà tôi từng trải qua, gần như chỉ trượt lúc xuống, cứ đi ba bảy bước lại ngồi bệt xuống, có lúc vừa đứng lên lại loạng choạng ngồi bệt xuống, vì đau. Các ngón chân bắt đầu sưng tấy lên, móng chân long ra trông rất ớn, nhưng cái nguy hiểm hơn, là tôi không thể kiểm soát đôi chân mình được nữa.
Cuối cùng cũng đến nơi, nằm thở, tàn tạ và tan tác, đôi chân như rụng ra khỏi cơ thể, nhưng vui, vui lắm, điều mình nghĩ là không thể làm được, cuối cùng cũng sẽ được, dù có khó khăn và nguy hiểm, nhưng cũng sẽ thành công, nếu mình quyết tâm và dùng đến 500 - 1000% sức của mình.
Chặng đường trở ra, chúng tôi lại tiếp tục băng qua dòng suối và cái ngầm nước, lúc này nước chảy mạnh hơn hôm vào, lại tiếp tục nắm chạt dây an toàn, cầu nguyện và vù ga cho chiếc xe lao qua dòng nước xiết. Bạn tôi nói, đây, việc chạy xe qua dòng suối, mới là thử thách căng thẳng nhất chuyến đi này.
Chúng tôi ghé Trạm Tấu, mệt mỏi lê bước (đứa nào cũng tháo giày đi chân đất), tìm quán ăn trưa lúc gần 4 giờ chiều, cùng bắt tay ôm nhau, chúc mừng nhau lần nữa, chúng ta đã thành công, dù ông trời làm mưa suốt hai ngày, dù bao thác ghềnh, dù bao núi cao vực sâu, chúng ta cũng đã qua, và đã trở về. Thật là một trải nghiệm không thể nào quên!
Theo Đàm Hà Phú (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
gian nan thật đấy nhưng đến đỉnh núi thì sẽ thấy công sức mình bỏ ra không uổng phí
Trả lờiXóanorth vietnam motorbike tours Loop Bike Tours