(Tiếp theo) - Theo cách nói của các chuyên gia khí tượng, nếu Ninh Thuận được ví như 'sa mạc' của VN thì xã Phước Dinh - huyện Ninh Phước chính là 'vùng sa mạc' của Ninh Thuận.
< Rời Sơn Hải, con đường mới mở đi Mũi Dinh dài ngút ngàn, hết cả tầm mắt.
Nhiều thế kỷ qua, ngoài xương rồng thì không một loại cây trồng nào có thể sống sót nổi trên vùng thung lũng núi cát khô cằn và rất nóng tại Phước Dinh khi nhiệt độ trung bình ở đây thường ở mức xấp xỉ 40°C.
< Đoạn này người ta đã lát gạch vỉa hè. Phía xa là những rặng núi chập chùng của xã Phước Dinh và Phước Diêm.
Gió mạnh khiến những bãi và đồi cát khô cằn hầu như bao phủ mọi vật trên đường xâm lấn của nó. Người ta ủi đường đất kéo dài gần đến Mũi Dinh thì đầu đường đoạn mở đầu lại bị cát phủ lấp.
< Chạy phăng phăng trên con đường thẳng băng cho đến khi vào một cua dốc, tít xa vẫn là đồi núi. 'Gió như phang và nắng như rang' vẫn có... nhưng mùa này đã dịu đi.
< Một đoạn vẫn còn nền đất, chưa láng nhựa nhưng rất bằng phẳng.Thi thoảng có đoạn đang thi công: người ta làm bên kia thì mình chạy bên này vậy...
< Đoạn khác lại vượt qua công trình bê tông trông như một cây cầu. Thật ra nó là một cống lớn, chỉ có nước chảy phía dưới vào mùa mưa. Nước từ đây sẽ thoát ra đầm Sơn Hải.
Một số dân phượt ta hiểu rõ điều này lắm khi muốn chinh phục Mũi Dinh. Họ từ Văn Lâm chạy miệt mài giữa hai hàng xương rồng, gió lạc tay lái, núi non trọc lóc, khô đặc… vượt qua vô số những đá tảng đủ mọi hình thù, vượt núi Đại Bàng và cứ thế tiếp tục vi vu trên đoạn đường đầy nắng gió và cát, đi từ cát trắng sang cát đỏ lè, thậm chí còn có cung đường phân nửa đường là cát trắng và nửa còn lại là cát đỏ…
< Vượt một đỉnh dốc dài. Đừng lo: đường khang trang nên dốc cũng chả cao.
< Đổ dốc để thấy con lộ vẫn còn ngút ngàn xa, gió lồng lộng.
... Cho đến khi thấy dãi sóng biển xanh, gần đó là một làng chài nhỏ với chiếc cổng chào: đấy là thôn Sơn Hải. Trong đó có các con đường ngoằn nghèo bên các hàng rào treo đầy các thể loại lưới, các thể loại hải sản phơi khô, các thể loại thùng thúng.
< Các đống gạch đang chờ yên vị trên vỉa hè. Mươi năm nữa: biết đâu chăng bên trái mé biển sẽ trở thành các khu du lịch và những đoạn vỉa hè này sẽ trở thành 'phố ăn uống' của Phước Dinh? Hãy chờ xem...
< Những bức tường chống cát bằng đá hộc được xây dựng ở 2 bên, phía trên là các rừng neem.
Khi đi hết con đường làng chài là ra khu vực đồi cát (đó chính là đồi cát di động Phước Dinh) với cát trắng và bãi biển dài nhưng khá dốc, đồi cát di động này luôn luôn thay đổi hình dạng và nó đặc biệt hơn đồi cát khác là có rất nhiều ao nước to với nước trong xanh. Hoang sơ nhưng đẹp tuyệt vời!
< Mé trái đường thấp thoáng biển, cực kỳ hoang sơ.
Nhưng đó là chuyện của hàng chục năm trước. Còn giờ đây Phước Dinh đã khác rồi. Khác vì sự xuất hiện của con đường, của các công trình dân sinh, của cây neem (cây xoan chịu hạn) được trồng từ tám năm trước. Mà cây neem là gì nhỉ?
< Ở đoạn này, chắc chắn là con đường mới mở đã cắt ngang con đường cũ - nền con lộ đất nhỏ trước kia ra Mũi Dinh bây giờ nằm dưới nhiều thước đất, cát... như chôn vùi một quá khứ xưa.
< Đường bê tông nhựa láng lẫy chạy giữa 2 chòm núi. Núi bên trái chính là núi Mũi Dinh đó bạn, trên ấy có hải đăng cùng tên.
< Những hòn đá đẹp là 'đặc sản' của Ninh Thuận, nhưng đây chỉ là giai đoạn khởi đầu. Khoảng này, nền đường chưa láng nhựa nhưng vẫn chạy tốt.
< Một trong vô số những ngọn núi đá bên phải, ngày nay cây rừng đã bắt đầu phủ xanh.
Cây neem (tên khoa học là Azadirachta indica ajuss) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Người ta ví cây neem như một tặng vật mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt. Theo một số tài liệu khoa học, toàn thân cây neem là nguồn dược liệu quí, cây càng già thì dược tính càng cao (tuổi thọ của neem có thể đến 200 năm). Neem có thể bào chế để chữa nhiều chứng bệnh như thủy đậu, tiểu đường, loét dạ dày, lao, phong...
< Nhiều đoạn người ta vẫn đang thi công tấp cập, xe lu xe ủi và công nhân lăng xăng làm việc dưới ánh nắng cuối năm.
< Cảnh bên phải đường đây. Có thể bạn chê nhưng mình cho là hoang sơ hoàn mỹ, đẹp đó chứ? Bao giờ có thể trèo lên các ngọn núi này?
< Lộ thênh thang tạm chấm dứt, lúc này chỉ là con đường đất cát. Vậy nhưng mình vẫn vượt qua được.
Theo kết quả nghiên cứu của Phân viện Công nghệ sau thu hoạch và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất hóa chất nông dược TP.HCM, các sản phẩm được điều chế từ cây neem Ninh Thuận như: thuốc bảo vệ thực vật Vineem 150EC có khả năng diệt trừ bọ trĩ, sâu xanh, sâu tơ trên cây nho và hoa màu; bột lá neem dùng để pha trộn với các loại phân bón khoáng như AG, DP nhằm tăng độ phì của đất, sát khuẩn một số tuyến trùng vùng rễ và tăng độ hấp thụ phân cho cây. Các sản phẩm này không gây độc hại cho người và không làm ô nhiễm môi trường.
< Cát khiến nàng Win loạng choạng, vậy là nửa kia xuống xe. Vậy nhưng lối đi vẫn còn phía trước, chạy được...
< Bà xã đây, đang chống chọi với các cơn gió lồng lộng.
Lá cây neem chiết xuất thành nhiều loại mỹ phẩm có giá trị. Đặc biệt với chức năng thanh lọc khí hiếm có, đồng thời giữ được độ ẩm của đất, cây neem được các chuyên gia nông nghiệp xem trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội những vùng khô hạn.
< Nhưng trước mặt vẫn còn đường lên điểm cao hơn...
< Vậy là mình lại nổ máy chạy tiếp...
Phước Dinh ngày nay thay đổi bởi thảm xanh bạt ngàn của cánh rừng neem trải dài hơn 5km, từ chân núi Bàu Ngư đến tận thôn Sơn Hải, trung tâm xã. Nông dân hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước trồng neem phủ xanh đồi trọc, vừa chống cát bay, vừa tăng thu nhập.
< ... cho đến lúc không thể 'bơi' được nữa thì dừng. Lối đi vẫn còn đấy, nếu bạn không chở nặng, nếu xe có chắn xích: bạn có thể chạy tới nữa đấy! Trên ấy người ta đang phá vách núi mở đường. Vậy nhưng cần cẩn thận vì khúc trên sẽ có đá nhọn rất nhiều, vô ý là tét vỏ là toi luôn!
< mình đây, còn nửa kia đang lót tót đi bộ lên. Vị trí nơi này tại đây, rất gần với núi Dinh và bãi biển cùng tên.
Có lão nông đã nói: 'Sống ở đây mấy chục năm tôi biết chớ, cái vùng núi đá này làm gì có nước để trồng tỉa. Vậy mà từ sau ngày cây neem mọc được, mạch ngầm ở đâu không biết tự nhiên trồi lên...'. Vậy là lợi dụng sự 'tự nhiên trồi lên của mạch ngầm', ông cứ ung dung thu về vài chục triệu đồng mỗi năm từ mô hình vườn - rừng của gia đình mình. Neem chịu hạn, lại hợp thổ nhưỡng nên phát triển tốt và giữ lại nước. Từ đó, những loại cây cỏ khác ăn theo dần phủ xanh những mảng đồi trọc.
< Từ vị trí này, mình thấy núi Dinh rất rõ, thấy cả đường mòn lên hải đăng Mũi Dinh - bên kia là bãi biển cùng tên.
Vị trí bãi biển này ở đây.
< Nhìn xuống triền đồi cát. Chẹp, nếu có thể vứt xe tại nơi này, ta có thể lội bộ đến bãi biển ấy vì chỉ cách xa tầm hơn 600m. Vậy nhưng nơi đây đang xây dựng, công nhân tứ xứ chạy qua lại hà rầm: vứt xe, xe 'bốc hơi' thì cũng tiêu luôn cái nàng Win già!
< Cái cô nàng Win đây, xin lỗi đã gọi em là 'già' - nhưng dù có già, em vẫn còn xinh gái đó chứ?
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của xã Phước Dinh, quanh khu vực rừng neem giờ đây đã có trên 200ha nương rẫy với đủ loại hoa màu như khoai, bắp, sắn, đậu... của gần 700 nông hộ quanh vùng. Vậy là từ chỗ nhận trồng rừng khoán quản để kiếm thêm chút tiền bù vào sự túng thiếu của gia đình, giờ đây hàng trăm hộ dân Phước Dinh đã biết tận dụng hiệu ứng điều hòa khí hậu, cải tạo môi trường của cây neem để sinh lợi bằng các mô hình nông nghiệp trú ẩn (rừng trên rẫy dưới), chăn thả gia súc ngay trên vùng đất từ bao đời nay chỉ mỗi cây xương rồng là sống được này.
< Đi thì không dám, vậy nên ngắm cho thỏa rồi trở xuống.
Ông Trần Xuân Hòa, nguyên giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận - người đầu tiên khởi xướng dự án chống sa mạc hóa bằng cây neem chịu hạn, mới đây đã quả quyết: 'Chảo lửa' Phước Dinh đã bắt đầu... 'phát tiết' rồi đó! Có còn ai tỏ ra nghi ngờ nữa không?
< Vậy nhưng chưa rời nơi này đâu, mình còn phải ghé chỗ ni. Nó to vật vã thế nào thì hồi sau bạn sẽ thấy.
Với sứ mệnh không chỉ hoàn thành việc phủ xanh đất trống đồi trọc khô cằn mà còn mang lại nguồn thu nhập khá, cây neem đã bắt đầu... thu hút với một bộ phận không nhỏ nông dân Ninh Thuận để dần thay đổi vùng đất này.
< Đá Voi, bọn này gọi như vậy, mà bạn có thấy nó giống con voi, có đầu, có vòi... không? Tảng đá nằm yên vị nhưng trông thật chơi vơi, cứ ngỡ như nó sắn sàng rớt xuống bất kỳ lúc nào trong những cơn gió giật lồng lộng.
Đây cũng là chốn mà một số phượt thủ ngày xưa, khi lết xe hết nổi thì tấp vào bóng râm của ông voi này... vứt xe tránh nắng rồi lội bộ lên hải đăng Mũi Dinh đấy.
< Cận đó là bãi cát mênh mông trông ra biển, phần bãi biển phía Bắc Mũi Dinh. Từ đây lội bộ ra biển phải tầm nửa cây số.
< Gần đó cũng là những tảng đá khác, hầu như tất cả đều tròn trịa qua sự bào mòn của cát sau nhiều thế kỷ. Chen giữa nó là những cây bụi sẳn sàng chịu khô hạn nhưng trường tồn.
< Từ đây nhìn ra Núi Dinh...
Từ việc đất thay đổi, người ta trồng cỏ, nuôi bò - Màu xanh cây cỏ xưa ít thấy thì bây giờ đã dần phủ xanh đồi cát, núi đá... và chắc chắn là sẽ thay đổi nhiều hơn, nhanh hơn khi con đường tỉnh lộ ven biển nối dài từ Hiệp Kiết xuyên suốt đến Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Phước Dinh, Mũi Dinh... đến tận Cà Ná.
< ... và đá Voi. Vậy nhưng nhìn theo hướng này thì voi đã trở thành rùa, ngộ chưa?
< Nửa kia tự sướng. Giờ, bạn mường tượng thấy đá Voi lớn đến thế nào không? Nó mà 'trở mình' một phát thì... thôi rồi!
Nói về đồi cát, Ninh Thuận không chỉ có các bãi biển đẹp, có nhiều tháp Chàm đầy giá trị lịch sử vẫn tồn tại qua bao năm mà còn có những đồi cát hoang sơ tuyệt đẹp. Là vùng nắng nóng, nhiều nơi bị sa mạc hóa từ xưa đã tạo ra cho Ninh Thuận nhiều cồn cát và bình nguyên tuyệt đẹp, thích hợp cho du lịch phiêu lưu.
< Luyến tiếc chưa chịu đi. Có lẽ khi nào xong đường, mình sẽ ra đây cắm trại đôi ngày, cảnh vật tuyệt diệu quá đi thôi.
< Bọn mình trở lại xe, các công nhân vẫn chăm chỉ làm phần lề đường. May mà đường không đâm thẳng vào đá Voi, nhưng dễ dầu gì di chuyến được nó chứ... ngoại trừ những thỏi bộc phá.
Ở đây có những cồn cát cao 20-30 mét, bên thoải bên dốc chạy dài nối tiếp nhau thành những sóng cát. Do ảnh hưởng của gió nên hàng ngày những cồn cát này có thể lùi vào đất liền hoặc tiến ra biển khiến cho địa hình thay đổi liên tục, một hiện tượng tự nhiên mà du khách cực kỳ thích thú.
< Bọn mình trở ra. Thi công khá nhanh thay vì tốc độ 'rùa' lúc khởi đầu. Có lẽ chỉ đôi năm nữa, tuyến đường nối từ Sơn Hải đi Cà Ná sẽ hoàn thành.
< Đồng cỏ xanh, trên đó là những đàn bò. Vài năm trước không có cảnh này đâu.
Có thể kể ra đây những đồi cát mà bọn mình biết đến như: động cát Nam Cương, đồi cát Phước Dinh, đồi cát Tuấn Tú, đồi cát Thành Tín, đồi cát Phú Thọ...
Cách để đến được những đồi cát bay là bạn điều nghiên trước bằng phần search trong i-dulich, xem trước bản đồ Wikimapia và cái không thể thiếu khi đến đây là hỏi người dân địa phương: đường trong miệng mà.
< Chạy một hồi, cuối cùng cũng trở về ngã 4 Sơn Hải. Bây giờ sẽ chạy ngược về Đạo Long để ra QL1 à, không đâu...
< Do bọn mình đã dự định một tuyến đường ra khác. Vậy là rẽ trái ngã 4, đây là con đường đi Bàu Ngư, chạy vòng núi Chà Bang rồi vượt làng Chăm Văn Lâm để ra QL1.
Con đường có từ xưa, nay thế nào? Bạn xem tiếp trong bài sau nhé.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét