Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Nhớ phở Tráng Kìm

(TTO) - Đi cao nguyên đá đến lần thứ 10, tôi mới được một anh bạn dưới xuôi “nằm vùng” ở đây giới thiệu một quán phở đặc biệt mà không phải dân đi nào cũng biết. Đặc biệt, vì vị trí của quán phở này nằm khá lơ lửng trên một hành trình kinh điển xuất phát từ Hà Giang hay Quản Bạ lên thị trấn Đồng Văn mỗi ngày: bên bờ sông Tráng Kìm, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ.

Đặc biệt vì bánh phở ở đây được tráng bằng tay ngay tại quán. Đặc biệt, vì gà ở đây là gà chạy bộ trên núi được chủ quán mua về từ bà con quanh vùng hay thịt lợn là thịt lợn lửng được hong khói treo trên gác bếp.

Cánh lái xe chở hàng thường xuyên lên khu vực cao nguyên đá là một trong những nhóm khách đường xa hiếm hoi biết quán ăn “chất” nổi tiếng  này.

Xe chúng tôi rời thành phố Hà Giang khi mặt trời vẫn còn chưa bừng tỏ. Con đường gập ghềnh men theo dòng sông Miện vẫn bồng bềnh trong biển sương, đặc biệt khi qua địa phận thị trấn Tam Sơn, trung tâm huyện Quản Bạ. Trong nhiều chuyến đi trước, chúng tôi thường dừng ăn sáng tại Tam Sơn rồi mới đi tiếp, nhưng hôm nay, theo ý kiến “chuyên gia”, xe ô tô vẫn tiếp tục bon bon.

Bắt đầu chạy vào thung lũng Cán Tỷ, từ trên cao nhìn xuống là những thửa ruộng xanh chia màu ngang dọc, con sông Tráng Kìm bé tý như một sợi chỉ dài, xa xa là vách núi cao ngất trời mây, những mái nhà nhỏ nhấp nhô ẩn hiện.

Xe dừng lại cách thị trấn Tam Sơn chỉ độ 10 km. Xung quanh cũng thấy đậu một số xe tải chở hàng. Còn sớm, những đã thấy mấy người bán hàng đang tíu tít, người sắp xếp ghế bàn, bát đũa, người chăm chỉ tráng bánh phở ở góc bếp lò, người tay dao tay thớt đang pha thịt gà trên bàn gỗ.

Khói tỏa ấm áp, tiếng dao thớt va vào nhau, tiếng nước dùng sôi ùng ục trong lò… tất cả hòa lẫn tạo thành một thứ thanh âm khiến chúng tôi cồn cào và… ứa nước miếng.

Trong lúc chờ đợi bà chủ quán làm phở, ai cũng tò mò vào xem một cô gái đang tráng bánh phở trực tiếp tại hàng, điều mà lâu rồi ở dưới xuôi ít ai thấy, đi đến một số vùng cao vùng xa cũng hiếm có dịp tận mắt nhìn.

Thoạt nhìn, tráng bánh phở cũng hơi giống như tráng bánh cuốn, cũng một xô bột, một bếp lò, một nồi tráng bánh to. Từng muôi bột được rải đều trên tấm vải căng ngang nồi nước, đậy vung cho kín, đợi một chút rồi dùng một dụng cụ tròn dài khéo léo cuộn bánh phở và gỡ ra phơi lên sào để khô một cách tự nhiên trước khi gỡ xuống và thái nhỏ bằng tay.

Bột làm bánh phở ở đây hoàn toàn được xay từ gạo trồng trên núi, không gia giảm phụ gia nên thành ra khá mềm và rất không dai, không giòn. Nhưng nó đảm bảo, bánh phở hoàn toàn được chế biến nguyên chất từ tự nhiên.

Nồi nước dùng reo vui trên bếp lò, trông béo ngậy và thơm phức mùi gừng, quế, hồi, thảo quả. Thực ra là rất thơm và không dễ để nhận biết gia chủ đã cho vào những hương liệu gì nếu bạn không hỏi. Ngoài xương ống bò, lợn được ninh kỹ cho ngọt nước, thậm chí cả nước luộc gà thì chỉ có gia vị của người dân tộc thôi, bà chủ cười cười bảo tôi.

Gà trên núi, tất nhiên là thứ gà ăn đá sỏi, ăn cây cỏ thiên nhiên, không phải thứ gà nuôi bằng thuốc tăng trọng lên cân vù vù như ở xuôi bây giờ. Thế nên, những miếng gà chắc nịch, ngọt, giòn được bà chủ lọc ra xếp vào bát, thêm tý hành hoa thái nhỏ xanh mượt, ăn kèm với tương ớt dầm cay xé lưỡi, khiến đám khách đang xuýt xoa vì cái lạnh buổi sớm mai thấy ấm sực từ trong ra ngoài.

Hớn hở, khi biết mình được thưởng thức một bát phở mộc mạc, thiên nhiên, đầy tin cậy, ở một nơi rất xa thành phố. Thích thú, bởi cái không khí của quán ăn ít ánh sáng, sắc màu xanh đỏ của ghế bàn, và tiếng bạn đồng hành chuyện trò rôm rả.

"Đôi lần tôi vẫn nghĩ, nếu có dịp trở lại Đồng Văn, nhất định tôi sẽ lại dừng chân bên bờ sông Tráng Kìm, để lại rủ rỉ hỏi chuyện bà chủ quán phở có giọng nói nhẹ nhàng ở Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang), rằng, đã có thêm nhiều đồng bào dân tộc ghé hàng bà ăn phở hay chưa?"...

Theo Thủy OCG (báo Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét