Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ với chiều cao 986m so với mực nước biển, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ.
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (thường gọi là chùa Phật), chùa Thượng, chùa Bà, cùng với chùa Hang (chùa Linh Sơn Long Châu) và chùa Trung (chùa Linh Sơn Phước Trung) là những ngôi chùa nổi tiếng ở khu danh thắng núi Bà Đen.
Chùa Linh Sơn thường được gọi là chùa Bà hay chùa Bà Đen tọa lạc trên núi Bà Đen, thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Chùa do Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu thuộc chi phái Thiền Liễu Quán khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII. Nguyễn Quyết Chiến trong bài Hệ thống tự viện núi Bà Đen trong tiến trình lịch sử (Báo Giác Ngộ ngày 22 – 02 – 1997) đã cho biết 11 đời trụ trì chùa như sau: Đạo Trung – Thiện Hiếu (1783 – 1806), Thanh Thanh (1806 – 1832), Hải Hiệp (1832 – 1857), Thanh Thọ – Phước Chí (1857 – 1878), Chơn Thoại – Trừng Tùng (1879– 1910), Chánh Khâm – Tâm Hòa (1910 – 1937), Nguyên Cơ – Giác Phú (1937), Nguyên Thần – Giác Hạnh (1937 – 1938), Giác Ngọc (1938 – 1951), khuyết trụ trì (1951 – 1957), Huệ Phương (1957 – 1962), Diệu Nghĩa (từ năm 1962 đến nay).
< Ảnh xưa.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Năm Mậu Ngọ (1857), Tổ Phước Chí đã bỏ ngôi chùa cũ lợp lá, vách ván, tổ chức xây dựng ngôi chùa khang trang. Ngài đã vận động nhiều Phật tử góp công góp của mở rộng đường lên núi, xây dựng ngôi chánh điện và giảng đường. Cũng vào thời gian này, cách chùa khoảng 300m, một nhà sư người Chiêm Thành, tục gọi là ông Chàm và nhà sư Huệ Mạng – Kim Tiên lấy hang đá làm nơi tu hành. Khoảng năm 1864, sư Huệ Mạng khai sơn chùa Linh Sơn Long Châu.
Năm Nhâm Thân (1871), Tổ Phước Chí cho xây chùa Phước Lâm kế cận dòng sông chảy qua ấp Vĩnh Xuân để khách hành hương đi bằng đường thủy ghé chùa nghỉ ngơi trước khi lên núi. Đến đời Tổ Chơn Thoại, ngài thấy cần xây một trạm dừng tại chân núi, tạo thuận lợi cho khách hành hương, nên đã cho xây ngôi chùa Linh Sơn Phước Trung, thường gọi là chùa Trung.
Năm Canh Tuất (1910), Tổ Tâm Hòa nối tiếp trụ trì đã cho mở rộng ngôi chùa, xây dựng thêm nhà nghỉ cho khách hành hương, mở con đường rộng 6m, dài 1300m từ chùa Trung lên chùa Phật. Năm 1924, ngài cho xây nhà Tổ, Đông lang, Tây lang, nhà Trù bằng vật liệu chủ yếu là đá.
Năm 1927, ngài cho lấp hố Điện Bà (sâu 50m, rộng 70m), tương truyền là nơi Bà quyên sinh, để lấy lối lên chùa Phật. Đây là công trình lớn, ngài đã huy động hàng trăm thợ lao động suốt bốn năm mới hoàn thành. 27 năm trụ trì của Tổ Tâm Hòa là thời kỳ chùa được hưng thịnh về mặt hoằng dương đạo pháp cũng như cơ sở tự viện với hơn 100 Tăng Ni tu học, khách hành hương về chùa mỗi ngày một đông. Ngài viên tịch vào ngày 08 – 01 năm Đinh Sửu (1937).
Các đệ tử của Tổ Tâm Hòa là Giác Phú, Giác Hạnh, Giác Ngọc kế tục quản lý và phát triển hệ thống tự viện ở đây đến năm 1945. Từ năm 1945 đến năm 1956, quân Nhật rồi quân Pháp kéo lên chiếm đóng, phá hủy hoàn toàn hệ thống tự viện ở đây.
Năm 1956, ngài Nguyên Chất – Giác Điền, trụ trì chùa Phước Lâm tổ chức xây dựng lại hệ thống chùa ở núi Bà. Ngài cho tháo dỡ ngôi Thiền đường và một số căn nhà phụ của chùa chở lên núi cất chùa tạm để có nơi lễ bái của Tăng Ni và khách hành hương. Ngài cùng thầy Huệ Phương hết lòng chăm lo tôn tạo ngôi chùa Phật và chùa Hang. Năm 1957, ngài Giác Điền viên tịch, ngài Huệ Phương tiếp tục công việc đến năm 1962 thì giao nhiệm vụ trụ trì cho Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa để về chùa Phước Lâm tu học. Từ đây cho đến năm 1975, công việc tái thiết các tự viện bị ngưng trệ. Một lần nữa, bom đạn chiến tranh đã phá hủy gần hết các công trình mới được xây dựng.
Hơn 40 năm trụ trì, Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa đã tổ chức nhiều lần trùng tu ba ngôi chùa: chùa Trung, chùa Phật và chùa Hang làm nơi tu học cho Tăng Ni, Phật tử và đón tiếp hàng vạn khách tham quan, chiêm bái hằng năm. Kiến trúc ba ngôi chùa hiện nay do Ni sư cho xây dựng từ năm 1992 đến năm 1997. Ni sư tiếp tục cho xây nhà Tổ, khu nhà Tăng, khu nhà Ni, khu nhà bổn đạo vào năm 2000. Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa đương nhiệm Phó Trưởng ban kiêm Ủy viên Tài chánh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh.
Chùa Linh Sơn Tiên Thạch được khởi công xây dựng vào ngày 16 – 10 năm Bính Tý (26 – 11 – 1996) và lạc thành vào ngày 20 – 11 năm Đinh Sửu (19 – 12 – 1997). Chùa có diện tích 210 m2 (bề rộng 14m, bề dài 15m). Chùa mang nét kiến trúc kết hợp hài hòa nét đẹp của nhiều ngôi chùa cổ trong nước. Đặc biệt, chùa còn giữ hai cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m, đuờng kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn rất đẹp.
Ở sân chùa Phật có tôn trí tượng đài Bồ tát Quan Âm. Tiền đường thờ tượng Tiêu Diện. Tầng trên thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Điện Phật thờ tượng đức Trung Tôn chính giữa (tư liệu của chùa cho biết tượng đức Bổn sư Thích Ca thiền định cao 2,5m) và chư Phật, Bồ tát: bộ tượng Di Đà Tam Tôn, đức Phật Thích Ca, tượng Đản sanh, Bồ tát Địa Tạng, Ngọc Hoàng... Hai bên có bàn thờ tượng Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Thế Chí.
Trước điện Phật có tượng Tứ Thiên Vương: Ma Lễ Thọ, Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Thanh; tượng đức Hộ Pháp Vi Đà. Hai bên vách có bàn thờ Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Mục Kiền Liên, Quan Thánh. Sau điện Phật, có bàn thờ Tổ sư Đạt Ma và các vị Tổ của chùa. Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí ngọc Xá lợi Phật, bảo vật do Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Vua Sãi Thái Lan tặng, và Hòa thượng đã cúng dường cho chùa vào năm 2000.
Chùa có khu bảo tháp Tổ. Giữa là tháp Tổ Tâm Hòa, Tổ Giác Phú, Tổ Giác Điền. Hai bên là tháp Tổ Trừng Tùng và Tổ Thanh Thọ.
Bên cạnh chùa là Điện Bà Linh Sơn. Kiến trúc điện gồm một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành động, vòm mái cao 2,5m, và gian nhà thờ nhân tạo phía trước dài 8m. Trong điện thờ Linh Sơn Thánh mẫu, Thần Tài, Thổ Địa. Ở đây có tủ đựng y trang của Bà do thập phương bá tánh dâng cúng. Gian ngoài thờ Bồ tát Quan Âm và Địa Mẫu.
Có nhiều truyền thuyết dân gian kể về Bà Đen như: Sự tích nàng Đênh, truyện Lý Thị Thiên Hương...
Theo Thạch Phương và Lê Trung Vũ trong sách 60 lễ hội truyền thống Việt Nam (NXB. KHXH, Hà Nội, 1995) thì nàng Đênh là con của viên quan Trấn thủ vùng núi Tây Ninh. Năm 13 tuổi, nàng được cha mẹ gửi cho một nhà sư người Hoa để học đạo. Đến tuổi cặp kê, có con trai viên Tri huyện Trảng Bàng ngỏ ý cầu hôn, nhưng nàng từ chối vì đã có ý nguyện xuất gia. Một đêm, nàng lẻn bỏ nhà ra đi lên núi, nhưng chẳng may bị cọp vồ. Hôm sau, đến khi gia nhân viên quan Trấn thủ đi tìm thì nàng đã bị cọp ăn thịt, chỉ còn sót lại một chân nằm ở nơi kẹt đá. Song thân nàng đã cho mai táng phần thi thể còn lại trên núi và cho xây miếu thờ. Người dân địa phương cho rằng nàng chết oan tất phải linh hiển nên thường đến miếu cúng bái, mong được nàng phù hộ.
Theo tài liệu Truyền thuyết về Bà Đen (Báo Tây Ninh xuất bản năm 1998) thì cô gái Lý Thị Thiên Hương vốn nhan sắc mặn mà ở huyện Quan Hóa (nay là huyện Trảng Bàng) đính hôn cùng Lê Sĩ Triệt, chàng trai văn võ song toàn. Giữa buổi loạn ly, chàng Lê Sĩ Triệt gác tình riêng lên đường tòng quân cứu nước. Thiên Hương, một hôm lên núi viếng chùa thì gặp bọn cường sơn thảo khấu chặn đường uy hiếp. Sức yếu thế cô, nàng đành phải nhào xuống vực sâu quyên sinh. Đêm ấy, nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi được nàng báo mộng. Hôm sau, ông xuống vực sâu tìm và đem xác nàng đi an táng. Nàng rất linh hiển, luôn phù độ cho nhân dân trong vùng được nhiều ân phước. Người dân lập điện thờ Bà trên núi, từ đó núi có tên là núi Bà Đen.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, xưng hiệu là Gia Long, tưởng nhớ đến chuyện khi bôn tẩu khắp miền Nam, lúc đến núi được Bà mách bảo nên thoát nạn, liền sai Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Thành Gia Định, lên núi làm lễ sắc phong cho Bà danh hiệu Linh Sơn Thánh mẫu, đặt tên chùa Bà Linh Sơn Tiên Thạch Tự và tạc tượng Bà bằng đồng để nhân dân chiêm bái, phụng thờ. Săc phong đó về sau bị thất lạc. Đến đời Bảo Đại, vua tái sắc phong cho Bà.
Hằng năm, khách hành hương đến viếng chùa, miếu Bà rất đông vào tháng giêng và vào lễ vía Bà, ngày 5 và 6 tháng năm âm lịch. Từ năm 1983, tỉnh Tây Ninh đã thành lập Ban Tổ chức Hội Xuân Núi Bà và Ban quản lý Di tích lịch sử – văn hóa núi Bà Đen. Con đường từ thị xã Tây Ninh đến núi Bà dài 11km được trải nhựa, hệ thống lưới điện quốc gia đã nối mạng đến đỉnh núi, các cơ sở hạ tầng phục vụ khách hành hương được xây dựng hoàn chỉnh.
Đặc biệt, một hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam đã được Công ty Du lịch Tây Ninh đưa vào hoạt động phục vụ du khách vào năm 1998, đi từ chân núi lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch, đoạn đường dài 1225m, độ cao 225m, thời gian 18 phút/lượt. Hệ thống cáp treo, công nghệ Cộng hòa Áo do Trung Quốc sản xuất, tổng số 180 cabin (2 người lớn/cabin), 16 trụ tháp, công suất phục vụ 500 lượt khách/giờ. Hệ thống máng trượt, công nghệ của Đức do Trung Quốc sản xuất, cũng đã đưa vào hoạt động từ năm 2002. Hệ thống bao gồm hai tuyến khép kín: tuyến máng kéo 1.190m và tuyến máng trượt 1.700m, tốc độ tối đa 40km/g. Có hệ thống thắng tay, có hệ thống giảm chấn ở hai đầu xe trượt, có thắng tự động, có lưới bảo vệ, có dây đai an toàn.
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Theo Vườn Hoa Phật Giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét