Khi vào một chuyến phượt, ngoài hành trang phải mang theo thì một chiếc xe gắn máy sẽ là phương tiện tuyệt vời để bạn mở rộng cung đường khám phá và trở về nhà theo cung cách tự do nhất.
< Đem theo xe máy giúp bạn khám phá mọi ngóc ngách nơi đến.
Với một cung đường xa tầm ngàn cây số: nguyên cả hành trình bằng xe gắn máy sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian, sức lực lẫn tiền bạc (do phải ghé ngủ nghỉ). Chưa kể trường hợp trùng lắp trên cùng một con đường cho cả lượt đi và về (ví dụ như QL1). Vậy nên phương cách đi xe đò gởi theo xe gắn máy làm 'chân đi' sẽ là kế sách tốt khi ta bắt đầu vào chuyến lãng du dài.
Ngày nay, với sự phát triển của các tuyến xe khách chất lượng cao tới hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, việc gửi đồ đạc và hàng hóa theo xe gần như đã không còn gặp nhiều khó khăn như trước. Với các bạn yêu thích việc du lịch bằng xe máy thì có thêm một sự lựa chọn để giảm bớt thời gian cho hành trình của mình bằng cách đi xe đò và gửi xe máy kèm theo ô tô.
1. Lựa chọn nhà xe
Không phải toàn bộ các nhà xe đều đồng ý cho bạn gửi kèm theo xe máy. Do vậy, bạn nên kiểm tra thật kỹ bằng cách liên hệ trực tiếp với các nhà xe để hỏi về vấn đề này. Tiếp theo bạn cũng nên thỏa thuận giá cả với nhà xe (nếu có thể tốt nhất là mua vé xe + vé người trước) nhất là vào các dịp lễ bởi số lượng xe máy gửi kèm theo ô tô thường chỉ khoảng từ 2 đến 4 xe.
Bao giờ, vé cho xe cũng sẽ cao hơn giá vé cho người: ví dụ vé 1 người là 200k thì vé xe sẽ là 250k. Giá chuyên chở xe tay ga sẽ mắc hơn xe số do xe tay ga họ dựng đứng, choáng chỗ hơn cón xe số thì đặt nằm trong hầm xe đò. Vậy nên khi bạn hỏi gởi kèm theo xe máy, nhà xe sẽ hỏi câu đầu tiên là xe số hay xe tay ga. Nếu hầm hành lý còn trống chỗ và nhà xe có chủ trương này: người ta sẽ nhận xe bạn.
2. Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ
Nếu bạn đi cùng chuyến xe đò mà bạn gửi xe máy thì việc này không quá phức tạp, bạn chỉ cần mang theo giấy tờ xe bên người. Trong trường hợp khác, nếu bạn (chủ xe) và xe máy không cùng trên một chuyến bạn cần gửi kèm đăng ký xe cho nhà xe, nếu bạn không đồng ý việc này hoặc xe bạn không có giấy tờ họ có thể từ chối vận chuyển xe cho bạn hoặc sẽ vận chuyển nhưng bạn sẽ phải chấp nhận rủi ro nếu xe bị CSGT giữ lại dọc đường khi kiểm tra xe đò.
3. Tháo gương và bọc một số chỗ dễ xước
Từ ở nhà, bạn cần tháo lỏng chân ốc của kiếng chiếu hậu. Đến bến xe, bạn sẽ tháo rời 2 gương chiếu hậu ra cất vào bao xốp để tránh bị vỡ - nón bảo hiểm cũng nên bỏ vào bao này và đặt cạnh chiếc xe bạn trong hầm.
Có thể chuẩn bị sẳn ít quần áo cũ để bọc lót xung quanh một số vị trí dễ xước sơn như phần yếm, phần đèn phía đầu xe, phần nhựa ở bên hông đối với một số xe dễ trầy khi đặt nằm ngang.
Một số nhà xe có thể tháo bánh trước của xe bạn để giảm sự choáng chỗ, hãy chấp nhận vì họ thao tác nhanh lắm: tháo cốt bánh trước, lấy bánh ra (vẫn còn dính vào xe bởi các dây gen thắng, đồng hồ...), vặn tạm ốc, đặt vào hầm. Lúc này bạn nên khóa xăng của xe luôn nhé.
Khi đến nơi bạn xuống, họ sẽ nhanh chóng lắp lại như cũ. Chỉ cần bạn để ý tránh để họ làm rớt mất bánh xe trái khế đo tốc độ trong mâm trước là được, thường thì bánh trái khế này khó rớt ra ngoài.
4. Không đổ nhiều xăng trước ngày đi
Trước khi đưa xe của bạn lên ô tô: đa phần nhà xe sẽ rút gần hết xăng trong xe để phòng chống cháy nổ trong quá trình vận chuyển. Chính vì vậy trước ngày khởi hành, bạn nên tính toán quãng đường đi của mình để sao cho khi ra đến bến xe thì lượng xăng còn lại trong bình xăng xe của bạn không quá nhiều.
Có thể tự mình hút xăng ra khỏi xe khi còn ở nhà bằng cách sử dụng 1 chiếc ống dài + 1 chai không 1,5 lít, một đầu ống cắm vào bình xăng đầu còn lại bạn thả vào trong lòng ống, sử dụng tay trái để bịt khoảng trống ở miệng chai, tay phải bóp thật mạnh vào thân chai để tạo một lực đẩy vào xăng trong bình rồi sau đó thả ra, lúc này xăng sẽ chảy từ bình vào chai. Lúc này cần lưu ý là chai phải để thấp hơn bình xăng lớn.
Một mẹo nhỏ: Bạn có thể mua sẵn 1 chai 0,5 lít xăng rồi bọc lại thật kín và để trong balo mà bạn mang theo trên xe đò. Việc này chỉ áp dụng nếu nơi bạn đến rất khó để mua xăng - Tuy nhiên theo thực tế là hầu hết các bến xe đều có một cây xăng ở kề cận.
Còn nếu xuống dọc đường, đa phần các quốc lộ hay tỉnh lộ đều có rất nhiều cây xăng không cách nhau quá xa. Bạn cũng có thể nói lơ xe cho xuống cạnh một cây xăng ven đường: tuyến xe của họ, họ rất rành đường và bạn sẽ có đầy xăng.
5. Xuất hành ở Bến xe Miền Đông
Vào bến xe này, bạn hãy mua vé 'chở hàng' cho xe với giá 6k - phần đưa xe vào hầm nhà xe sẽ lo tất. Tránh mua vé 20k gọi là 'phí bốc vác' chỉ để nhân viên bến xe hút sạch xăng (dù xăng còn rất ít), tháo bánh trước (dù hầm trống, không cần tháo) và đưa xe vào hầm - ngay chính nhà xe cũng không thích cảnh này.
Lối xe gắn máy vào bến xe Miền Đông là cổng nhỏ, cạnh cổng chính.
6. Gửi xe máy theo tàu hỏa
Khi gửi xe máy theo tàu hỏa: các bạn chú ý nên gửi tại các ga chính (Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn ...) thì thời gian bạn nhận được xe sẽ nhanh hơn. Nếu gửi tại các ga nhỏ, ga phụ thì thời gian gửi xe có thể kéo dài đến hàng tháng đấy.
Cách gửi xe máy theo tàu như sau: Bạn mang xe kèm theo giấy tờ xe ra thẳng nhà ga (phía khu vực vận chuyển bốc dỡ hàng hóa (nếu ở Hà Nội thì là bên tay trái cổng chính Ga Hà Nội) để làm thủ tục. Nhân viên nhà ga sẽ viết cho bạn 2 phiếu gửi xe: Một phiếu gắn vào xe và phiếu còn lại đưa cho bạn. Khi nhận xe bạn chỉ cần xuất trình CMND và giấy tờ phiếu này là đủ. Nếu bạn gửi xe và một người khác đi nhận thì chỉ cần thay tên người đó vào phần người nhận.
Cước gởi xe gắn máy theo tàu hỏa rẻ hơn gởi theo xe đò. Tuy nhiên, nếu cộng tiền phí bốc vác, đóng thùng xe của bạn thì cước tương đương hay cao hơn. Vậy nhưng xe của bạn sẽ 'yên ổn' hơn vì mỗi xe gắn máy sẽ nằm riêng rẽ trong thùng cây - thùng sắt. Dĩ nhiên xăng trong xe bạn cũng được hút sạch để phòng chống cháy nổ.
Chúc bạn có một chuyến đi thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét