Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Bình Tiên - Sơn Hải - Kê Gà có gì lạ? (P8)

(Tiếp theo) - Nối liền thôn chài Sơn Hải với thành phố Phan Rang thì đã có con đường mình đã qua, tương lai sẽ được rút ngắn hơn bằng cây cầu An Đông đang được xây dựng chạy thẳng vào khu trung tâm TP để hoàn tất cung đường ven biển từ Hiệp Kiết đến tận Lạc Nghiệp, Cà Ná.

< Đường đi về hướng QL1 đây, bên phải là phần lộ sẽ được mở rộng: hiện người ta chuẩn bị làm nền.

Một con đường nhỏ khác đã có từ lâu nối thôn Sơn Hải chạy thẳng vào đường QL1 đoạn thuộc thị trấn Phước Nam, huyện Thuận Nam - Ninh Thuận sau khi chạy ngang làng Chăm Văn Lâm (gọi theo tiếng địa phương là Play Răm - Palei Ram), một trong rất nhiều làng văn hóa Chăm thuộc tỉnh Ninh Thuận.

< Sau vài trăm mét, đoạn mở rộng không còn, trước mắt vẫn là con đường cũ, thảm nhựa xa tít tắp.

Làng Văn Lâm (thuộc xã Phước Nam, huyện Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận) bao gồm 4 thôn: Văn Lâm 1, Văn Lâm 2, Văn Lâm 3 và Văn Lâm 4 với đa số là đồng bào người Chăm sinh sống.

< Cũng như bao đoạn đường phượt bọn này đi: con đường nhỏ vắng lặng, không bóng người. Từ đây đến làng Văn Lâm: số xe, số người thấy được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lúc này khoảng 2h30.


< Rồi 'cái sự hết' của đường nhựa xuất hiện: dài ngoằn trước mắt sẽ là đường đất. Đất thì đất, chạy cũng tốt thôi, mình tống ga tầm 50km/h và vẫn đừng khi có cảnh đẹp, bóng mát tốt.

< Vậy nhưng nếu bạn đi cũng cần cẩn thật do những 'chiếc xe tăng' có thể xuất hiện bất ngờ. Vật nuôi chăn thả như bò, dê... ở Ninh Thuận là chuyện thường, nhiều địa phương khác còn lỉnh nghĩnh cả đàn trâu với sừng cong vút.

< Lên một dốc cao. Tầm dăm cây số đã qua vẫn chưa hề thấy bóng dáng một ai cả, thật tự do!

Người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận là cư dân bản địa sinh sống rất lâu đời ở vùng đất Panduranga thuộc miền Nam vương quốc Champa cổ đại - Vương quốc đã biến mất trên bán đảo Đông Dương vào nửa đầu thế kỷ 19 với sự kiện lịch sử: biến cố của vương quốc Champa vào thời Minh Mạng 1934. Vào thời kỳ ấy, nhiều làng mạc Chăm trên vùng đất Phan Rang không còn nguyên vẹn mà tản mác vào núi rừng sâu thẳm. Thậm chí có bản làng lên lên tận Đơn Dương ngày nay (Dran).

< Núi Chà Bang ư? Mình cho rằng không đúng vì núi này phải nằm bên trái đường, vả lại lúc này chưa thể thấy được. Đây chỉ là những dãy núi thấp ở phía Đông, cách Chà Bang tầm 5km đường chim bay.
Xương rồng phủ đầy ven đường, đặc trưng của vùng đất nắng gió Ninh Thuận.

< Một trong vài căn nhà hiếm hoi trên cung đường, người ta đang chăn cừu.

Làng Chăm Văn Lâm được hình thành từ sau thời vua Thiệu Trị - nhà Nguyễn. Lần theo di chỉ, nhất là những khu  mộ táng cách đây hàng trăm năm, ta thấy rằng làng Văn Lâm đã thổ táng người quá cố ở 2 nơi cách xa nhau hàng chục cây số với tục danh là Ghur Dil thuộc xã Phước Dinh (Sơn Hải) và Cà Ná thuộc xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

< Chiếc xe du lịch lao vút ngang để lại làn bụi mờ, đánh tan sự cô quạnh. Đường đất nhưng rộng đó chứ?

Tương truyền: người Chăm Văn Lâm quy ấp lập làng như hiện nay vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bởi hiện nay, một số dòng tộc của người Văn Lâm xưa vẫn còn ngụ cư ở nơi làng khác cách đó từ 8-10km, như làng Hữu Đức, Vụ Bổn… thuộc huyện Ninh Phước ngày nay.

< Chỏm núi nhỏ nhưng đầy đá lớn, một điều tương phản đến ngác nhiên. Có thời gian thì mình muốn được đứng trên tảng đá trên cùng.
Vậy nhưng bây giờ phải tranh thủ về Cà Ná: chạy xe từ sáng sớm đến đầu giờ chiều rồi còn gì?

< Đoàn quân phía trước đang tung bụi mù... À, một người chăn dê khác, 'quân' là cả bầy dê. Tự nhiên thấy 'sao đường tấp nập quá'.


< Mà đông đảo thật đó chứ: nào nhà, nào xe máy, cả xe hơi...
Tự dưng thấy Ninh Thuận như quê hương thứ 2 của mình, thật thân thương!

Vào nửa đầu thập kỷ XX của thế kỷ XX, người Chăm Văn Lâm tụ cư trên một vùng gò đất tương đối cao gần đập Kiak hiện nay. Với sự kiện thực dân Pháp thành lập đường sắt Phan Rang – Sài Gòn, đặc biệt với sự có mặt của một số người Việt buôn bán, vài hộ người Chăm đã di dời về phía đông cũng trên vùng đất gò cạnh một cái bàu rộng khoảng 2ha nên mới có tục danh là Xóm Bàu (đây chính là Bàu Ngư?). Qua một thời gian khoảng 100 năm, Văn Lâm đã hình thành hai vùng tụ cư cách xa nhau bởi cánh đồng lúa nước khá rộng và có đường quốc lộ 1A chạy qua.

< Đột nhiên, đường đất lại trở thành đường nhựa (vị trí tại đây), mà đất với nhựa cũng không khác nhau gì mấy, chỉ có thêm tý bụi đường thôi mà.
Núi trước mặt bây giờ mới đích thị là núi Chà Bang đây. Đồng bào Chăm tại đây nối liền tín ngưỡng với ngọn núi này.

< Quanh co với lối quẹo trái rồi phải, bóng cây neem xanh bất ngờ phủ mát như vỗ về hai kẻ lãng du...

Hiện nay người Chăm Văn Lâm gọi nhau với tục danh người Văn Lâm xóm ngoài – Tambôk Gah, người Văn Lâm xóm giữa – Tambôk Krưh, và người Văn Lâm xóm trên – Ram Ngaok. Người Chăm Văn Lâm tuy phân biệt xóm trên, xóm dưới, xóm giữa nhưng họ thương yêu đùm bọc lẫn nhau qua những thăng trầm của dân tộc.

< Đá ở Ninh Thuận thì hoàn toàn không khó tìm, chỉ có điều ta có cảm nhận - có thích ngắm nhìn được những tác phẩm mà thiên nhiên đã dựng xây từ hàng ngàn năm trước hay không.
Phí sau là hồ nước, sau này về xem kỹ, mình mới biết đó là một góc nhỏ của Bàu Ngư.

Từ Bàu Ngư, sẽ có đường dẫn vào thôn Thành Tín (qua đồi cát đỏ cùng tên), dẫn đến thôn Thành Tín, Phước Hải, Mỹ Nghiệp... rồi ngoặc ra thị trấn Phước Dân trên QL1.
< Gặp ngã 3, bây giờ đi lối nào đây? Mở netbook ra xem bản đồ offline sẽ khá lâu trong khi nắng chói chang, khó nhìn màn hình - vậy nên mình chọn 'bản đồ miệng'.
Sẳn có chiếc tải nhỏ chạy ngược vào, nửa kia chận hỏi đường ra QL1 ngõ nào thì người ta chỉ ngay hướng trái.
Vậy thì hướng phải là đường vào Bàu Ngư, ngày nay là một hồ nước thủy lợi trên vùng đất khô hạn. Cái 'cục bê tông' trong ảnh chính là máy bơm và nơi điều hành.

< Mình thì rẽ trái hướng về thôn Palei Ram. Phía trước lại là một chiếc xe tung bụi mù, chạy theo hướng ngược lại.

Tên Chăm của vùng đất này là Palei Ram. 'Palei' là làng, 'răm' là rừng già. Qua tục danh ấy, chúng ta có thể hình dung được làng Chăm Văn Lâm hình thành giữa rừng già bao bọc. Trên vùng đất tụ cư làng Văn Lâm hiện nay, xung quanh có rất nhiều phế tích đền đài, lăng tẩm của vương quốc Chăm xưa với YANG DRAI nổi tiếng bị đạo quân Java đốt phá vào thế kỷ VIII.

< Một trong nhiều đỉnh của núi Chà Bang đây, thấp thoáng giữa các tán cây neem.

< Đất trời mênh mông, lại nghĩ đến Sàigòn, nơi đất chật người đông, nơi của các tòa nhà cao chọc trời...
Lúc này mình mới nhận ra mép đường có lề bê tông.

< Có đúng là đường đi Văm Lâm không nhỉ, chỉ thấy chạy miệt mài. Lúc này lộ lại láng nhựa, thẳng tắp...

Năm 1997, người dân ở đây đã tìm thấy những bức tượng Visnu còn nguyên vẹn và nhiều đồ dùng, gốm sứ khác, những gò đất rộng hơn hecta rải rác là những gò gạch Chăm thường dùng để xây dựng đền tháp. Ngày nay, làng Chăm Văn Lâm là một trong 3 làng Chăm lớn có số dân trên 10.000 người. Cụ thể: có 1.182 hộ với 7068 nhân khẩu.

< Cái gì sẽ đến cũng phải đến, bắt đầu xuất hiện những nóc gia, rồi trường tiểu học Phước Lập thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

< Làng Chăm Văn Lâm đây, tiếng địa phương gọi là Palei Ram.

Người Chăm Văn Lâm xây dựng làng Palei trên sự cố kết của các dòng tộc, bố trí – cấu trúc khuôn rào liên cư theo trục Nam – Bắc và cửa ra vào khuôn viên nhà được mở theo hướng Tây – Nam vì theo họ, đó là hướng sinh tạo của con người.

< Xe hàng phía trước kéo bầy bò phía sau...

Hôn nhân trong xã hội Chăm ngày nay dưới ảnh hưởng của nền văn minh thời đại đã tiến bộ rất nhiều, nhất là trong nhận thức về nếp sống mới đẩy lùi trong số hủ tục. Ngoài ra quan niệm hôn nhân “con cô, con cậu” vốn xưa được ưa thích, hiện nay đã giảm đi rất nhiều.

< Chợ Văn Lâm, giấc xế chiều nhưng vẫn có buôn bán đấy - mình tiếc là không phải giờ cơm...
Vị trí chợ ở đây.

< Rồi mình gặp quốc lộ 1 cắt ngang: rẽ trái, bọn này về Cà Ná.

Hầu hết trên 90% nhà cửa ở đây được xây dựng kiên cố. Về kinh tế: 85% dân số làm nghề nông: trồng trọt, chăn nuôi. Về thiết chế xã hội: Người Chăm Văn Lâm ảnh hưởng văn hóa Hồi giáo, đậm nét văn hóa bản địa. Hai nền văn hóa ấy chi phối khá rõ nét đời sống xã hội của người Chăm ở đây: theo chế độ mẫu hệ, trong làng có thánh đường, và hàng năm diễn ra nhiều lễ hội đậm nét tín ngưỡng dân gian.

Một số thông tin từ Chamstudies.wordpress.com

< Quốc lộ thì không có gì đáng kể, cái đáng nhìn là một bầy cừu bên đường.

< Và đây là chốn dừng chân tại Cà Ná, lúc này đã quá 16h30 ngày 29.10.2013. Giá phòng từ 150k, thường thôi, tiện nghi đủ (tủ lạnh, nước nóng, TV, wifi...) nhưng giá này không đòi hỏi gì hơn - địa điểm thì rất tuyệt.

Bạn sẽ xem tiếp hồi sau về nơi này nhé.

Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét