Cà Mau có rất nhiều sân chim, với hàng trăm loài chim, có nhiều loài thuộc dạng quý hiếm cần được bảo tồn, quần tụ dưới tán rừng ngập mặn (rừng đước) và rừng ngập lợ (rừng tràm). Trong đó, có một sân chim rất đặc biệt – sân chim giữa lòng thành phố Cà mau, nơi duy nhất có sân chim trong thành phố, là niềm tự hào của người dân đất mũi.
Cách trung tâm thành phố Cà Mau 2 km về phía tây, đi theo đường Lý Văn Lâm là đến vườn chim trong thành phố nằm ở Công viên văn hóa 19/5 (còn gọi là Lâm Viên 19/5). Hằng năm, cứ vào dịp Tết, chim chóc lại tụ hội về đây như đã hò hẹn tự bao giờ. Khung cảnh vườn chim trong tiết xuân thật trữ tình, thơ mộng. Chiều chiều, tiếng hót gọi bạn, tiếng đập cánh xôn xao cả khu rừng.
Nơi đây rất nhiều loài chim cò quần tụ, sinh sống, nào cò trắng, vạc, le le, vịt nước và rất nhiều loài chim quý hiếm khác cũng chọn nơi này làm nơi cư ngụ sinh sôi. Đến đây du khách sẽ càng hiểu rõ hơn câu nói “ Đất lành chim đậu” và hơn cả là hiểu được công lao của biết bao người đã gìn giữ, dẫn dụ các loài chim về đây thành một sân chim với gần 60 loài trong diện tích khoảng 8 hecta ngay trong thành phố.
Dulichgo
Vườn chim được xây dựng từ năm 1995 nhưng đến khoảng năm 1997 mới chính thức đi vào hoạt động. Trước đây vườn thuộc Sở Lâm nghiệp quản lý, nay đã trực thuộc Sở VHTT tỉnh. Qua các lần mở rộng, hiện diện tích của công viên đã lên đến 18 ha trong đó diện tích vườn chim 8 hecta. Ông Phạm Hoài Nam, Phó Giám đốc vườn chim 19/5, cho biết: “Lúc cao điểm, ước tính có khoảng 10.000 con, trong đó cò, còng cọc chiếm 80%, số còn lại là vạc và các loài chim khác”.
Du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng từng đàn cò bay về tổ sau một ngày kiếm ăn hay cảnh những chú vạc đi ăn đêm, một khung cảnh tuyệt đẹp của ban đêm mà bạn chắc chắn sẽ không bao giờ quên. Vườn chim này hàng ngày vẫn là nơi cư ngụ sinh sôi của rất nhiều loài chim cò. Chính quyền nhân dân Cà Mau, những người tâm huyết vẫn luôn giữ gìn, bảo vệ để những con chim mới ra ràng tiếp tục lớn lên và chấp cánh bay cao giữa lòng thành phố.
Theo ông Lê Hồng Mãnh, Phó Giám đốc phụ trách sinh vật cảnh của vườn, thì chim quý ở Cà Mau nói chung và ở vườn chim này nói riêng như diệc, bồ nông khoang cổ, sếu… còn rất ít. Hằng năm có khoảng vài ba cặp chim quý như điên điển về đẻ trứng. Thi thoảng có cả chim yến bay về tụ tập.
Có lẽ loại chim gây ấn tượng nhất ở vườn này là loài hạc (còn gọi là sếu). Hạc là vật thiêng của người Việt, luôn có biểu tượng ở các nơi tôn nghiêm thờ cúng trên mọi miền đất nước. Xưa kia sếu có nhiều ở Việt Nam. Nhưng từ năm 1952 thì chúng hoàn toàn mất dạng ở vùng Đồng Tháp Mười. Sự biến mất của loài sếu có lẽ là do sự di dân ồ ạt của con người và chiến tranh khiến môi trường sống thay đổi nên chúng bay đi nơi khác.
Dulichgo
Đầu năm 1998, sếu đã quy tụ đông đúc tại rừng tràm Tam Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Trong đó có sếu đầu đỏ rất quý hiếm. Rất tiếc ở vườn chim 19-5 cũng có rừng tràm nhưng sếu ít dừng chân ở đây bởi lẽ đơn giản: sếu chỉ sống ở vùng sinh thái tự nhiên cân bằng.
Đối với người dân Cà Mau, vườn chim là một niềm tự hào. Tương lai không xa, Cà Mau sẽ là thành phố đầu tiên có một sân chim ở chung với cư dân. Vào những ngày nghỉ, nhất là vào dịp Tết, vườn chim đầy ắp tiếng cười của du khách. Chưa hết, trong khuôn viên vườn chim còn có nhà hàng Trầu Cau, được nhiều đôi uyên ương chọn làm nơi tổ chức ngày vui trọng đại nhất của cuộc đời.
Ông Lê Hồng Mãnh cho biết: “Sắp đến sẽ mở rộng vườn chim theo hướng Đông Nam 5 ha và Tây Bắc 6 ha. Trong tương lai có thể mở rộng thêm 30 ha”. Du khách hãy đến đây để cùng hòa mình vào thiên nhiên và càng thêm yêu mến những gì thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Theo Tin Nóng Du Lịch
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét