(BCT) - Đã nhiều năm qua tôi luôn ôm ấp nỗi mong muốn - mong muốn đến cháy lòng - một chuyến đi thực tế dọc chiều dài đất nước bằng xe máy để có điều kiện hiểu biết sâu rộng hơn về Tổ quốc Việt Nam, nơi đã và đang làm say lòng biết bao du khách, nhất là du khách nước ngoài. Ðồng thời, qua ống kính của mình, tôi cố gắng ghi lại những nét đẹp, lạ, độc đáo của con người, xứ sở, sinh hoạt của mỗi vùng, miền…
Nhưng chẳng phải muốn là làm ngay được, bởi nhiều khó khăn cản ngại cả về chủ quan lẫn khách quan. Mãi đến cuối tháng 3/2013, tôi mới thực hiện được ước mơ ấy. Không phải đi bằng xe máy mà là xe du lịch với 3 người nữa: Vũ Thanh, nguyên Giám đốc Ðài PT-TH tỉnh Bạc Liêu; Trần Nhật Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Minh Hải và cháu Hà Sơn vừa tốt nghiệp đại học, với tài xế vững vàng Trần Ðồng Cư.
Một ngày trước khi khởi hành, chúng tôi có cuộc họp đoàn để trao đổi, thống nhất một số vấn đề lớn sau đây:
- “Góp gạo nấu cơm chung”.
- Phân công trưởng đoàn, kế toán, thủ quỹ.
- Là sáng tác tự do nên ai thích chụp đâu bảo xe dừng lại cùng chụp, không thích thì ngồi chờ.
- Chuyến ra, chủ yếu chỉ đi, điểm cần đến, cần chụp vẫn là các tỉnh phía Bắc, bởi khó có điều kiện đi, lại cũng xa lạ với cái nhìn của mình…
Tuy đã thống nhất nhưng luôn bị “phá rào”: Qua khỏi Phan Thiết, thấy hàng trụ điện gió giăng giăng, xa xa là biển xanh cát trắng… bỏ đi sao đành.
Chưa tới Quy Nhơn, nơi dự định nghỉ qua đêm, thì trời tối. Chính vì cái tối này đã làm cho biển Quy Nhơn càng rực rỡ lung linh trên mặt nước: đầy đặc đèn của ngư dân đang hành nghề; của thành phố muôn màu. Có lẽ sao trời cũng phải chịu lép. Ði cả ngày quá mệt nhưng chưa vội ngủ, bởi trước mắt là Tượng đài Quang Trung vàng óng ánh, uy nghi, nổi bật trên bầu trời đen giữa lòng thành phố.
Ngày 29/3, từ giã Quy Nhơn khi tờ mờ sáng, đến xã Ðức Tân, huyện Mộ Trạch, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi rẽ vào thăm quê hương và Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Bên các ngôi nhà rộng rãi, khang trang mới xây sau này là hai ngôi nhà lá nhỏ nép mình dưới tán lá um tùm của mấy cây tạp, làm cho tôi không khỏi nghĩ suy, liên tưởng về những ngày thơ ấu vất vả nhọc nhằn của một vị Thủ tướng đức, tài đầu tiên.
Dulichgo
8 giờ sáng 31/3, chúng tôi tới Hà Nội. Theo hướng dẫn (qua điện thoại) của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðinh Quang Thành, chúng tôi tìm đến quán cà phê 43, đường Lý Thường Kiệt, là điểm hẹn của một số nhà nhiếp ảnh Thủ đô, gặp nhau tay bắt mặt mừng, các anh hăm hở nhiệt tình, người chỉ chụp ảnh chỗ này, người bảo chụp chỗ nọ hay hơn… Riêng anh Ðinh Quang Thành đã đi nhiều, hiểu biết hơn, nên anh hệ thống lại con đường đi, nơi nào cần đến, ở đó có những đặc điểm gì… Qua những thông tin cần thiết này đã giúp thêm ánh sáng cho người đang mò mẫm tìm lối đi.
Ăn sáng qua loa bên lề đường xong, chúng tôi vọt nhanh ra Hải Phòng để đến đảo Cát Bà, vì theo lời các anh, chiều nay có cuộc đua thuyền Rồng và nhiều hoạt động vui chơi khác nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm đảo. Dù nôn nao, háo hức đến mấy chúng tôi cũng phải đợi chuyến phà. Trời càng dịu mát bao nhiêu thì lòng dạ chúng tôi càng nóng nảy, bứt rứt bấy nhiêu! Cuối cùng cũng ra được Cát Bà. Gần đến điểm thì dòng người từ hướng ấy đổ xô ngược chiều, để lại lễ đài, khi đến nơi, còn trống không với vài lao công dọn dẹp.
Sáng 1/4, cho xe chạy vòng quanh đảo trước khi tìm bến phà khác để về Tuần Châu, Hạ Long, chúng tôi cũng chụp được mấy kiểu ảnh “Cát Bà trong sương sớm”, mở màn cho một ngày mới vui vẻ.
Qua Tuần Châu, chúng tôi tìm đến mỏ than Cộc 6. Ðối với đoàn, đây là một đề tài mới, chưa có trong tư liệu ảnh của mình. Nhưng tới lui hỏi thăm đường, làm thủ tục xin vào mất nhiều thời gian quá.
Chừng xong các thứ ấy thì trời càng âm u, mù mịt; lại không có người hướng dẫn đành phải chuyển hướng sang Bái Tử Long. Tưởng đến đây dễ dàng, đơn giản, vậy mà phải lòng vòng, mỗi người chỉ đường một kiểu vì Bái Tử Long ngày nào đã thay tên mới: Bến Do. Tuy mất nhiều công kiếm tìm, nhưng không uổng vì sự hấp dẫn của nó gây hứng thú cho người cầm máy, đã chụp nhiều mà chẳng muốn rời chân. Ngược lại, khi ra cảng Cửa Ông chỉ để biết chớ lúc đó khó tìm ra cái gì để chụp.
Chiều hôm ấy, trên đường về Lạng Sơn, cũng như mấy ngày qua mặt trời trốn đâu bặt tăm để lại không gian u ám, lạnh buồn. Sắp tối nhưng đến cầu Tiên Yên phải dừng lại vì sự gợi cảm của dòng sông lặng lẽ, nước trong xanh với hàng chục chiếc thuyền lớn, bé neo đậu san sát như sự sắp bày của đạo diễn.
Sáng 2/4, thẳng đường về Lạng Sơn, tìm lại mấy địa danh nổi tiếng mà tôi đã có lần đến vội vàng cách đây hơn 20 năm. Cảnh cũ đổi thay quá nhiều: Chợ Tân Thanh không còn mua bán ồn ào, tấp nập như xưa. Ðến Tam Thanh rồi Nhị Thanh, đâu đâu cũng được gia công xây dựng lại mới nên phải bán vé vào cửa, bán luôn cho cả những nhà báo đến tác nghiệp. Dọc đường lên cổ thành nhà Mạc cũng có người chặn lại thu tiền, dù đó không phải là trạm. Chúng tôi loanh quanh tìm nơi thuận tiện để nhìn lên nàng Tô Thị. Nhưng có lẽ người xưa đã chuyển đi nơi nào rồi để cho chị hay em gì đó của nàng đứng thay vào vị trí của mình!... Hầu như mấy nơi này “nó không còn là nó nữa”, làm cho người sáng tác cảm thấy băn khoăn, hụt hẫng! Dù phải dành cả ngày đi tìm “Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”…
Dulichgo
Hơn 15 giờ, chúng tôi tìm đường về Cao Bằng. Sáng hôm sau, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cao Bằng tiếp đón thân tình, còn đưa chiếc xe rộng hơn và cử tài xế chở chúng tôi vào viếng Khu Di tích lịch sử Pắc Bó. Những gì còn lại và đang có ở đây đã tác động mãnh liệt đến tình cảm của người ở xa lần đầu được đến. Ai cũng chạnh lòng nhớ thương Bác, nghĩ về những ngày đói rét gian lao giữa rừng sâu hang thẳm mà Bác phải chịu đựng! Chẳng ai bảo ai đều tự đặt cho mình nhiều câu hỏi phải làm gì để xứng đáng hơn với sự hy sinh cao cả của Người.
Ngày 4/4, từ giã Cao Bằng sớm để về Hà Giang. Ðường càng đi tới càng quanh co, tiếp nối những dốc đèo hiểm trở mà chẳng có ngôn từ nào diễn tả hết, đúng như nhiều bạn đã đi trước, họ chỉ có thè lưỡi, lắc đầu khi tôi hỏi đường đến vùng này! Ðể bù đắp lại khó khăn thử thách ấy là nhiều phong cảnh đẹp, lạ ở Nguyên Bình, Bảo Lạc, Niêm Sơn, Mèo Vạc… Ðặc biệt là Mã Pì Lèng hùng vĩ khác thường đã làm thót tim của những ai một lần qua lại. Nó đáng được phong tặng biệt danh “Ðệ nhất hùng quan”. Nơi này chắc chắn đã từng giang tay ôm hốt biết bao cuộn phim, thẻ nhớ để rồi trả lại cho đời niềm vinh dự tự hào vì đã góp phần trang điểm cho Việt Nam thêm lộng lẫy, làm mê hoặc lòng người.
Ngày 5/4, một ngày đáng ghi nhớ: Những người cả đời sống ở miền cực Nam giờ đang có mặt tại cực Bắc của Tổ quốc! Nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Lũng Cú, tâm hồn tôi cũng lâng lâng bay bổng. Bên niềm vui sướng này là lòng tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc bao người ngã xuống cho non sông liền một dải, cho mình có được hạnh phúc lớn lao này.
Dọc đường Mèo Vạc, Ðồng Văn núi dựng trập trùng, gần xa, lớn bé tiếp nối nên một dãy tường thành. Lại có nhiều bãi đá tai mèo sắc cạnh như rừng chông. Ðến Sà Phìn ngày thường, chợ vắng tanh, chỏng chơ những sạp gỗ, nằm im lìm như say nắng. Lên đồi là nhà Vương (tức Vua Mèo, Vương Chính Ðức (1885-1947)). Tuy trải qua biết mấy phong ba bão táp mà không sao tàn phá được một công trình kiến trúc cổ xưa với vật liệu thô sơ, làm bằng thủ công.
Hai Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Ninh và Thanh Hiền thay mặt Hội Văn nghệ Hà Giang tiếp đãi chúng tôi chân thành như người từng thân thuộc, dù nơi đây thường có khách gần xa. Các bạn này còn chỉ cho chúng tôi mấy nơi cần đến, trong đó có hợp tác xã dệt thổ cẩm của người dân tộc Pà Thẻn. Các em gái vừa xinh đẹp, vừa vui vẻ, nhiệt tình, với sự sắp xếp của mình, cùng với trang phục sặc sỡ, lạ mắt của các em làm cho người cầm máy ảnh chụp hoài không chán.
Ðến ngã ba đường, chúng tôi chưa muốn về Sơn La vội mà sau những phút đắn đo trao đổi để đi đến quyết định nên rẽ qua Mù Cang Chải, một vùng nổi tiếng về ruộng bậc thang, mà cũng nổi tiếng về con đường đi hiểm trở, đáng lo sợ. Cuối cùng thì hình ảnh ruộng bậc thang và những cái mới lạ ấy đã chiến thắng, giục giã chúng tôi dứt khoát, không cần do dự.
Trên đường chúng tôi qua thật không uổng công, ân hận vì đã mất hơn nửa ngày: ruộng bậc thang cứ tiếp nối với nhiều dáng vẻ phong phú, đa dạng, lại còn Thuỷ điện Khao Mang Thượng đang xây dựng, một vùng đất vàng như mỡ gà nổi lên giữa núi rừng xanh thẳm và còn bao nhiêu cái xa lạ khác buộc xe phải dừng.
Càng vào địa phận tỉnh Sơn La càng cuốn hút chúng tôi: Mường La dầy sương sớm, Yên Châu rồi Mộc Châu, nơi nào cũng có sức hấp dẫn riêng, dù Nghệ sĩ Ðức Tuấn ngõ ý muốn đoàn dừng chân nghỉ ngơi để rồi thư thả sáng tác nhiều hơn, chất lượng hơn trên mảnh đất kỳ diệu này, nhưng bọn mình từ chối, muốn đến ngay Thuỷ điện Sơn La, nơi đã được các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu, ngợi ca. Cuối cùng, anh Tuấn cũng đưa bọn mình đến đầu đường về thuỷ điện. Thuỷ điện này to, đẹp quá, làm choáng ngợp đến nỗi chưa tin vào chiếc máy ảnh, hoài nghi cả bản thân, liệu mình có làm được cái mình muốn làm không?...
Sau đó qua ngang thung lũng Mai Châu đến Thuỷ điện Sông Ðà, Hoà Bình. Tuy nhà máy này nay đã “lão hoá”, lỗi thời nhưng chắc chắn nó còn để lại trong mỗi người về một thời vàng son, một thời tiên phong mở lối. Thêm một điều khác khiến tôi nao lòng: khi đến nhà tưởng niệm, gặp duy nhất một người phụ nữ, sau đó mới biết tên Vy Thuỳ Hương, 37 tuổi, đang cúi đầu thành kính trước bàn thờ lớn trong nhà này. Tôi vội nghĩ chắc cô có người thân nào cùng chung số phận vô phúc ấy, nhưng rồi cô nhỏ nhẹ phân trần: “Vào ngày rằm và mùng một mỗi tháng, em đều có mặt ở đây hằng giờ, không phải tưởng nhớ một vài người thân mà những 168 người thân quý, trong đó có 11 bạn người Liên Xô, em hằng tưởng nhớ và thấy mình đã thọ ơn sâu nặng trước sự hy sinh lớn lao của họ cho công trình này, quê hương, đất nước này. Biết rằng bên cái được còn có cái mất, nhưng mỗi cái mất mát đều có giá trị khác nhau, riêng cái mất mạng thì chẳng lấy gì bù đắp được”. Ðêm đó về luôn Hà Nội mà con số 168 và hình ảnh cô Hương vẫn đeo bám hoài theo tôi.Dulichgo
Sáng 11/4, anh Tuyên, người bạn mới ở Hà Nội, đưa chúng tôi đến ngã rẽ về Cổ Loa. Sau khi thăm tượng Cao Lỗ, Ðền thờ An Dương Vương, Mỵ Châu, bỗng tôi dừng lại trước pho tượng nằm giữa không đầu. Mấy phút lặng nhìn, hồn tôi như lạc vào cõi hư vô, lòng cảm thương Mỵ Châu vô cùng, bởi nàng chỉ là nạn nhân của thủ đoạn gian manh, thâm độc với mưu cầu “mộng bá đồ vương” chớ nào phải tự dưng nàng tìm đến Trọng Thuỷ. Còn khi đã đến, khi gần nhau thì phải tin yêu nhau, thuỷ chung với chồng. Ðó là đạo lý, phẩm hạnh của người con gái Việt Nam, thì sao có người nỡ trách phiền, lên án nàng?... Còn ai làm nên tội thì đã có lịch sử định phân, miệng đời truyền kiếp.
Sáng 12/4, chúng tôi có mặt tại Ðền Hùng trong không khí rộn ràng, tấp nập của khách thập phương, của các đơn vị, địa phương về diễn tập chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ. Ngày giỗ Tổ năm nay chắc là đông đảo, hoành tráng hơn, nhưng chúng tôi không chờ được mà chỉ chụp loanh quanh một số cảnh trước khi về Ninh Bình, dù rất tiếc! Ðến Ninh Bình cũng cùng lúc đoàn Nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Bạc Liêu vừa đến. Tối hôm đó, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức chiêu đãi cả 2 đoàn. Bữa tiệc tươm tất, đầy ắp nghĩa tình anh em ruột thịt một nhà; lại còn cho ở khách sạn 4 sao sang trọng, điều này càng làm cho chúng tôi thêm nặng lòng.
Hôm sau, UBND tỉnh cử người đưa chúng tôi tham quan Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Bến này thường xuyên có hàng ngàn chiếc thuyền cùng cỡ để đưa khách về, mặt nước sông luôn xao động như reo vui, mừng đón mọi người.
Buổi chiều tham quan chùa Bái Ðính, có lẽ đó là ngôi chùa nổi tiếng nhất cả nước, lớn nhất khu vực Ðông Nam Á, với 500 tượng Phật La Hán ở 2 dãy cách nhau, cùng nhiều nơi đẹp, lạ khác nữa mà tôi không thể đến hết được. Ngoài 2 nơi này, Ninh Bình còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác, như: Ðền thờ Ðinh Lê, Tam Cốc, Bích Ðộng, Ðịch Lộng, Nhà thờ đá Phát Diệm, cùng nhiều nhà máy và công trình khác… đã tạo nên thế mạnh về kinh tế, văn hoá du lịch và nguồn thu nhập lớn cho tỉnh này.
Từ giã Ninh Bình trong khi đoàn Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạc Liêu còn lưu lại tác nghiệp và chờ ngày làm lễ kỷ niệm kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu.
Dọc đường về Thanh Hoá và trong địa phận tỉnh này, chúng tôi luôn dừng lại chụp ảnh, nhưng có vài nơi làm cho mình lưu ý hơn: đó là Thành nhà Hồ. Sau khi cướp ngôi vua nhà Trần năm 1397, Hồ Quý Ly chạy vào đây xây thành cố thủ. Thành vuông 4 cạnh, mỗi cạnh 1 cây số và 4 cổng, mà cổng phía Nam là cổng chính, cách Quốc lộ 1 hiện nay 47 km. Toàn thành lắp ghép bằng những khối đá nguyên, mỗi khối nặng từ 10-16 tấn, vậy mà trong vòng 3 tháng phải hoàn thành, với tên gọi thành Tây Nhai. Trước cảnh vĩ mô của thành này không khỏi làm cho khách tham quan ngỡ ngàng cùng với nhiều câu hỏi: Thời đó chẳng có phương tiện gì hỗ trợ, chỉ có đôi tay con người sao họ làm nên công trình to tát và phi thường như vậy?
Chúng tôi về đến Sầm Sơn thì trời tối, đành nghỉ lại.
Sáng 15/4, theo lời mách bảo của bà con, chúng tôi ra bãi biển giữa lúc quang cảnh nhộn nhịp với các hoạt động: Thuyền cá lần lượt vào bờ; các con ngựa, con bò ra vô chở hải sản… Nhưng ống kính tôi luôn hướng về từng tốp người kéo lưới trên bãi cạn, cần mẫn, miệt mài, in bóng xuống mặt nước, tạo nên bức tranh nghệ thuật nên thơ.
Sau cả tiếng đồng hồ quần nhau trên bãi, chúng tôi tìm lên núi Trường Lệ. Trên đường này có ghé vào viếng Ðền thờ Tô Hiến Thành - vị Bao Công của Việt Nam. Ai cũng mệt, cũng đói lả nhưng lại no nê về tác phẩm và tinh thần.
Dulichgo
Sắp đến địa phận tỉnh Nghệ An, tôi gọi điện thoại cho Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh. Anh bảo trước khi về Nghệ An các anh tìm ra cảng cá Diễn Ngọc, Diễn Châu chắc là có nhiều cái để chụp. Dù đường vòng vèo khó đi, nhưng khi đến nơi chúng tôi bất ngờ trước một sự thật đã vượt quá sức tưởng tượng của mình, về số lượng thuyền đánh cá, bạn hàng. Thuyền ra vào nườm nượp, người chen chúc nhau ở một diện tích rộng, ít nơi nào có được. Sự hấp dẫn này đã níu giữ chúng tôi lại, quên cả thời gian, nên khi đến viếng Ðại thi hào Nguyễn Du thì trời sắp tối, chỉ có chữ Tâm vàng ánh, nét to lộng lẫy giữa nhà lưu niệm thì sáng rực. Chữ ấy đập vào mắt, vào tâm thức mỗi người như nhắc nhớ câu thơ: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”… Tính đến nay là 193 năm kể từ ngày cụ từ giã cõi đời này (1765-1820) mà lời thơ, ý tưởng cao đẹp ấy vẫn tươi nguyên, như một lời khuyên dạy người đời sống nên lấy chữ Tâm làm gốc, làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.
8 giờ sáng 17/4, chúng tôi đến Thành cổ Quảng Trị giữa bầu trời u ám nặng nề, như minh hoạ cho cảnh đau buồn còn phảng phất đâu đây. Nhìn cổng vào, bức tường mới xây lại tiếp nối với bức tường loang lở, đứt đoạn, dù thời gian và cỏ dại có phủ đầy nhưng không sao xoá nhoà dấu vết tang thương ấy. Tôi trầm lắng, nhìn xoáy vào mảng tường đó mà bên tai như còn nghe âm vang tiếng bom gầm đạn réo; mắt như thấy xác đồng đội rải rác trên mảnh đất đã bị bom đạn Mỹ cày xới nát tan này. Lòng người còn lại và người đang đứng nơi đây cũng bị cày xới! Tôi càng thấm thía sâu sắc hơn 2 câu thơ của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương ở Nha Trang, anh từng là chánh trị viên phó đại đội, người đã có mặt xuyên suốt ở chiến trường này.
“… Ðò lên Thạch Hãn, ơi chèo nhẹ
Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm!”…
Từ Quảng Trị về Bạc Liêu đường hãy còn dài mà bài viết này thì có giới hạn, nên xin phép tạm dừng. Ðể kết thúc bài viết, tôi xin mượn đoạn thơ đầy cảm xúc của anh Trần Nhật Vinh, người bạn đồng hành của chuyến đi này:
“Ðất nước của ta đẹp tuyệt vời,
Như tranh thuỷ mạc đặt khắp nơi.
Có đi có đến, đời mới thấy,
Thưởng thức non sông của đất trời”.
Theo Võ An Khánh (Báo Cà Mau)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét