(DNSG) - Mùa này sương mù giăng kín các ngả đường. Cây mận, cây đào đã thay lớp hoa kiều diễm bằng lá biếc và những trái nhỏ xinh xắn. Xe chúng tôi cứ men theo vạch kẻ tâm đường mà ngược dốc. Trong lòng háo hức bởi ngày nào sương mù đặc sánh là sẽ có nắng ấm, trên kia, những lễ hội của bản Mường đang đợi.
Vượt qua dốc Cun, con dốc mang danh là cửa ngõ miền Tây Bắc, qua đất Mường Thàng với cơm lam, cam ngọt, mía tím, qua Mường Bi nổi tiếng với những điệu cồng chiêng, theo tỉnh lộ 12A là tới đất Mường Vang (Lạc Sơn) đẹp nguyên sơ với những căn nhà sàn, dưới tán những cây dổi.
Theo chỉ dẫn của người bạn thân đã lâu không gặp, chúng tôi đến cây đa cổ Lâm Hóa thì rẽ vào con đường nhỏ đến xã Bình Chân, nơi có lễ hội Đình Cổi có tiếng trong các lễ hội Mường. Gần tới nơi thì thấy những đoàn người từ các xã quanh vùng đang trẩy hội.
Người chỉ đi qua ôn đường men ruộng, người lại leo qua con đường nhỏ bên kia núi để kịp tới dự hội. Đình Cổi là ngôi đình cổ nằm trên một gò đất nổi. Sau khi được phục dựng, nó vẫn mang dáng vẻ đơn sơ, nhỏ bé nhưng lại có sức hút với người dân địa phương.
Nghe nhiều người kể lại, vào những ngày hội, làng thường mổ trâu rồi đem đầu trâu cúng tế và chia thịt khao cả làng như một tục lệ thể hiện tình đoàn kết của nhân dân trong Mường.
Đi bên cạnh bà cụ ngoài chín mươi nhưng răng còn chắc khỏe, mái tóc mới hoa tiêu, thích thú nghe cụ kể cho con cháu về gốc gác của lễ hội: Nơi đây xưa kia Quốc Mẫu Hoàng Bà và Đức thánh Tản Viên đã giúp dân khỏi nạn hồng thủy, dạy dân trồng cấy mùa màng, chăn nuôi, dệt vải.
Giữa khung cảnh miền núi, xung quanh là những dãy núi cao, nhưng đoàn người rước kiệu khiến du khách cảm thấy như đang tham gia một lễ hội đồng bằng. Dưới bóng nắng, kiệu vọng lọng vàng, bao đoàn người với trang phục dân tộc Mường tạo cho chúng tôi cảm giác như được trở về với không khí của nền văn minh lúa nước cả ngàn năm trước.
Bà con ở đây vốn quanh năm lo việc đồng áng, trồng ngô, trồng sắn, hái hạt dổi..., những khi về với lễ hội là bỏ lại sau lưng những lo toan, say mê nhưng không bon chen, xô lấn. Chiếc kiệu với những hoa văn truyền thống được khiêng mọi người đến xem đều như muốn giữ yên lặng để nghĩ tới những điều thiêng liêng.
Dulichgo
Đan xen với màn rước kiệu là những bài mo mường của các ông Mo mà chúng tôi dễ dàng nhận ra những chương của "Đẻ đất, đẻ nước". Khi kiệu từ chân núi Khụ Bậy về tới đình, tiếng cồng vang rền những khúc thức chiêng Mường rộn rã lòng người.
Dưới cây đa cổ bên sân đình, những gánh hàng của chợ quê nguyên sơ được tái hiện làm du khách bất ngờ. Khác với những gian hàng nông sản quen thuộc ở các lễ hội miền xuôi nặng về tính thương mại, những gian hàng chợ quê ở đây chỉ đơn sơ là những cái mẹt đựng những con quay, những tấm thổ cẩm hoa văn được thêu thùa công phu, những chiếc vòng bạc, bộ dây sà tích..., hay gần gũi hơn là những chiếc bánh, ống cơm lam.
Bà con đi chợ chủ yếu là để ngắm nghía những món đồ trang sức chứ không nặng về bán mua. Có nhiều người cầm mãi trên tay những đồ vật bằng bạc mà nuối tiếc vì một thời khốn khó đã phải bán đi, giờ thấy lại không khỏi ứa nước mắt. Mỗi người đến chợ với một tâm trạng nhưng đều góp phần tạo nên không khí đông vui, tấp nập.
Nhưng vui nhất là được ngắm nhìn những nam thanh, nữ tú dân tộc Mường trao nhau ánh mắt tình tứ. với họ, đi chợ là để hẹn hò. Nhìn những bà, những mế ngày thường chân lấm tay bùn nhưng hôm nay đi bán hàng chợ quê ngày hội tươm tất trong bộ trang phục cổ truyền mới thấy người dân ở đây đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện văn hóa này như thế nào.
Ở một góc khác, những cây tre được dựng lên, trên ngọn đặt những vòng tròn để hai bên trai, gái cùng tung còn. Những trái còn được khâu bằng vải nhiều màu sắc, bọc bên trong là hoa lau, với tua vải đủ sắc màu bay lượn thành những đường cong trong gió.
Lần đầu tham dự trò chơi này, du khách sẽ thấy khó khăn nhưng khi đã quen tay, đã hòa mình vào trò chơi từ bao đời là chiếc cầu nối duyên tình trai gái thì sẽ thấy hấp dẫn và thú vị. Phía xa kia, những phụ nữ Mường tuy đã trung niên nhưng vẫn trổ tài đi cà kheo khéo léo.
Dulichgo
Khoảng cánh từ mặt đất đến nơi đặt chân lên cà kheo khá cao nhưng những bước đi của họ thật vững chắc. Những nắm cơm mang theo được bày ra trên chiếc lá chuối, vò rượu quê mời nhau bên những gốc cây, những đám cỏ xanh mướt. Chẳng hề có sự phân biệt giữa người trình diễn và người thưởng thức.
Ai cũng háo hức một lần được chơi đánh mảng, được đi cà kheo và cùng vui cười khi cầm dây quả còn ném sang phía bên kia. Nhiều cụ già cao tuổi bảo rằng năm nào cũng gắng đến hội vì cảm thấy vui và khỏe hơn khi được hòa vào ngày rộn rã nhất của làng.
Đình Cổi chính là nơi quy tụ những người dân trong vùng, là dịp hiếm có để những người bạn lâu ngày không gặp tìm lại nhau, cùng hàn huyên những câu chuyện về thời thanh xuân.
Chiều về, khi nắng đã dịu, cũng là lúc diễn ra màn múa chèo (vá chèo) của người dân xóm Cành để tưởng nhớ điệu múa xưa được Quốc Mẫu Hoàng Bà truyền dạy. Những nhịp múa chèo uyển chuyển như đưa người xem trở lại không khí của ngàn năm trước nơi mảnh đất linh thiêng này.
Những cô gái Mường trong đội chiêng vừa đánh chiêng, vừa đi vòng quanh núi trước khi rước kiệu về núi. Đoàn người lại nô nức theo chân tiễn kiệu, rồi hội tan, bà con lũ lượt trở về các làng Mường gần, xa. Tưởng như hội đã tan, mọi trò chơi đã kết thúc nhưng chúng tôi bỗng nhận ra, dưới tán cây đa cổ vẫn còn những cặp hát đối giao duyên bằng tiếng Mường Vang chưa muốn ra về.
Trở về khi sương núi giăng trên các ngả đường, ngắm nhìn cảnh vật đất Mường Vang vẫn nguyên sơ với những nếp nhà sàn, những thửa ruộng, thủng thẳng tiếng mõ trâu, chợt thấy lòng nhẹ nhàng sau một ngày lễ hội.
Phải chăng mảnh đất nơi đây níu chân người bởi vẻ đẹp hồn hậu, chất phác, chưa bị thương mại hóa từ các lễ hội, trò chơi cho đến những nụ cười, ánh mắt và lòng hiếu khách của bà con trong làng bản? Cùng với lễ Khai hạ Mường Bi, lễ hội Đình Cổi là một trong những sự kiện quan trọng mang nhiều giá trị văn hóa.
Mặc dù chưa được quảng bá rộng rãi, chưa có cơ sở vật chất khang trang nhưng vẫn đủ tạo ấn tượng với du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa. Hẹn sẽ còn trở lại mảnh đất cổ Mường Vang vào lễ hội năm sau với bao xúc cảm dạt dào.
Theo Bùi Việt Phương (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét