Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Về Sóc Trăng xem lễ hội Ok Om Bok

(BCT) - Người Khmer Nam bộ có nhiều lễ hội, trong đó có Lễ hội Ok-Om-Bok và đua ghe ngo truyền thống. Hằng năm cứ vào ngày 14- 15 tháng 10 âm lịch theo Phật lịch Nam tông (năm nay, nhằm ngày 24- 25-11- 2015), đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng, lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Ok-Om-Bok còn gọi là lễ Cúng Trăng (Pithi thvay pras-chanh) hay "Đút cốm dẹp".

< Nghi thức Lễ cúng trăng- lễ chính trong Lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer Nam bộ.

Lễ hội truyền thống này của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Đây là lễ hội tưng bừng nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm.

Nét đẹp văn hóa lễ Cúng trăng

Lễ Cúng Trăng là nghi lễ chính trong Lễ hội Ok-Om-Bok, được tổ chức đúng vào đêm rằm tháng 10 âm lịch tại khuôn viên chùa, trong từng nhà dân hay tập trung tổ chức ở một nơi rộng rãi. Lễ hội Ok-Om-Bok mang ý nghĩa mừng cơm mới vào những ngày trăng sáng. Mưa gió chấm dứt, nước từ từ rút xuống mở đầu cho một mùa khô ráo sau những ngày lao động miệt mài trên đồng ruộng, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ đến công ơn Mặt trăng vì theo quan niệm của người Khmer, Mặt trăng như vị thần điều tiết mùa màng giúp trúng mùa, làm ăn khá giả. Lễ vật cúng Trăng gồm cốm dẹp, khoai lang, khoai lùn, trái cây, bánh in, bánh pía… được bà con phum sóc chuẩn bị cả tháng trước khi diễn ra lễ. Người Khmer lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp, tiếng quết cốm thình thịch ngày đêm. Khi trăng lên cao cũng là lúc bà con phum sóc hướng về mặt trăng tiến hành làm lễ. Dulichgo

Theo ông Sơn Lương, nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Sóc Trăng, để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá; trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Ngày nay lễ cúng đơn giản hơn, chỉ cần đem bày các lễ vật cúng lên bàn. "Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, bánh kẹo và trái cây… chung quanh, người ta cắm đèn cầy và nhang. Buổi tối chuẩn bị xong, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía Mặt trăng để chờ làm lễ"- nhà nghiên cứu Sơn Lương nói.

Đúng lúc Mặt trăng lên cao tỏa ánh sáng vằng vặc thì đốt nhang đèn, rót trà. Nếu cúng ở chùa thì Acha làm chủ lễ; nếu cúng tại nhà thì chủ lễ là người lớn tuổi nhất. Chủ lễ khấn vái, nói lên lòng biết ơn của bà con đối với Mặt trăng, xin Mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do bà con dâng cúng; ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, cho mưa thuận gió hòa, cho năm tới trúng mùa, cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Sau khi cúng xong, chủ lễ tập trung trẻ em lại ngồi xếp bằng, chắp tay nhìn về hướng Mặt trăng.

< Múa dân gian đón mừng Lễ hội Ok-Om-Bok và đua ghe Ngo truyền thống của người Khmer Sóc Trăng.
Dulichgo
Chủ lễ sẽ lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng trẻ em và hỏi bọn trẻ mong ước gì. Trẻ em sẽ nói ước nguyện của mình và chủ lễ khuyên dạy các em phải chăm ngoan, học hành giỏi giang để giúp ích cho đời… Xong lễ cúng trăng, mọi người tay bắt mặt mừng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất; suốt đêm trai trẻ phum sóc vui chơi nhảy múa Lâmvông, Sadăm... kết thúc Lễ hội Ok-Om-Bok.

Theo truyền thống của người Khmer, trong lễ cúng trăng, đồng bào Khmer thường tổ chức thả đèn nước (hoa đăng) vào ban đêm gọi là "Lôi protip". Từ xa xưa, tục thả đèn nước mang tính chất tôn giáo, và cũng để dân làng tạ lỗi với thần đất và thần nước… Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người được ngắm lại cái đẹp, cái rực rỡ của chiếc đèn trôi trên dòng sông trong đêm lễ hội, như nhắc nhở mọi người hãy ra sức bảo vệ môi trường nước, môi trường sinh thái.

Đèn nước có cấu tạo như một ngôi đền, làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa văn, trên mui đèn có treo cờ phướn. Lễ Cúng Trăng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer Nam bộ. Đó là mong ước ngàn đời không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Khmer mà còn là ước vọng chính đáng của các dân tộc, của nhân loại.

Hấp dẫn đua ghe ngo truyền thống

Vào thời khắc chuẩn bị đón Lễ hội Ok-Om-Bok, đến chùa chiền, các phum sóc có đông đồng bào Khmer, khách dễ bị cuốn vào cảnh náo nhiệt. Tiếng chiêng, trống vang xa, tu huýt, phiêng la thúc giục, điệu múa Lâm vong lắc lư, nhạc ngũ âm quyến rũ... như mời gọi mọi người cùng về xem đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Đua ghe Ngo là dịp bà con Khmer vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Chùa có ghe Ngo đều được bảo dưỡng cẩn trọng. Hàng năm, vào dịp rằm tháng 10, thuyền được trang trí đẹp, treo đèn kết hoa, hạ thủy chuẩn bị tập luyện tham gia cuộc đua.
Dulichgo
Các chùa phải chuẩn bị cho ngày hội đua ghe Ngo trước đó cả tháng, từ tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai Khmer khỏe mạnh trong các phum sóc, cho đến tập dượt để sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo. Ghe Ngo dài 25- 30m, rộng 1- 1,4m, có đóng nhiều thanh ngang vừa cho hai tay bơi ngồi theo từng cặp suốt chiều dài ghe. Mỗi ghe đua thường có 46- 60 người. Người điều khiển nhịp chèo ngồi trước mũi ghe thường là vị chức sắc hay người lớn tuổi, được nể trọng trong bổn sóc, có kinh nghiệm đua ghe lâu năm. Người đứng giữa ghe thổi còi phụ họa theo nhịp bơi của người điều khiển và 5- 6 người bơi lái ghe.

Dầm bơi gọi là chro-hoa, làm bằng gỗ nhẹ, dẻo, không thấm nước, bản rộng, mỏng và tròn dần về cán. Mỗi chiếc ghe Ngo có những biểu tượng khác nhau, thường là khala (con cọp), rồng, sư tử, cá pon-co… Đua ghe Ngo thường hai chiếc (một cặp), thi đấu 1.200m đối với nam, 800m đối với nữ. Vào ngày đua, cả một đoạn sông chật kín người hai bên bờ, tiếng trống, cùng dàn nhạc ngũ âm, tiếng còi rộn rã từng hồi. Khi một hồi còi hiệu lệnh xuất phát, từng cặp ghe đua phóng nhanh về đích. Tiếng trống, tiếng loa vang vang hòa trong tiếng reo hò vỗ tay cổ vũ náo động cả mặt sông.
Dulichgo
Về các phum sóc Sóc Trăng hôm nay, dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay và phát triển của người Khmer qua từng câu hát Dù kê, điệu múa dân gian truyền thống, qua nét mặt hồ hởi, ánh mắt tràn đầy niềm tin, cuộc sống ấm no hơn. Lễ hội Ok-Om-Bok cũng là dịp để các đôi nam nữ thanh niên trong phum sóc tìm hiểu và vui chơi với nhau. Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng sung túc của người Khmer.

Theo Phương Nghi (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét