(TTO) - Bức ảnh nhà thờ đổ ở Hải Lý ám ảnh tôi trong một thời gian rất dài, để không biết bao lần đã lên kế hoạch với bạn đồng hành mà rồi đành lỗi hẹn. Để rồi, hôm nay xứ đạo “đãi người”...
Chúng tôi đi về phía nam, không bản đồ, không lịch trình, không địa danh nào cụ thể. Chỉ biết, chuyến đi ngẫu hứng về Hải Lý sẽ bắt đầu bằng một cái tên danh tiếng: nhà thờ chính tòa Phát Diệm ở thị trấn Kim Sơn, Ninh Bình nằm cách Hà Nội chừng 120km. Sau vài lần hỏi đường chúng tôi cũng tìm tới được bờ sông Ân.
1. Ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn một trưa trời cũng đổ mưa, trong một quán ăn lụp xụp ven sông, hình ảnh một cây cầu ngói đặc biệt cũ kỹ im lìm dưới màn mưa mỏng hiện lên, xa xôi như hư như thực, yên ả và thanh bình. Tôi tự hỏi mình liệu con đường hôm nay có đưa tôi về cây cầu ngày ấy?
< Cầu ngói trên sông Ân Giang.
Ở Việt Nam có một số cây cầu ngói khá nổi tiếng được làm bằng gỗ và lợp mái ngói bắc qua sông nhỏ với kiến trúc độc đáo và tinh tế có thể kể tên như: chùa Cầu Hội An, cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), cầu ngói chùa Thầy (Hà Nội) hay cầu ngói chùa Lương, chợ Thượng (cùng ở Nam Định).
Đang mải nghĩ thì nghe bạn kêu lên: “Tới rồi!”. Dừng xe cùng lúc một đoàn xe máy đi phượt đang tham quan chụp ảnh với cây cầu ngói dáng cầu vồng 4 nhịp 12 gian.
Cây cầu mới được tu bổ và sơn lại, mái ngói vẹn nguyên, màu sơn đỏ thẫm. Không còn cái vẻ âu sầu xộc xệch màu thời gian năm nào. Nhưng người dân vẫn xốc xe đạp lên để lại qua hai bên bờ sông. Khách du lịch ghé qua chụp vài bức hình lưu niệm, xôn xao chốc lát rồi trả lại cho cây cầu trăm tuổi sự tĩnh lặng đến nao lòng.
Dulichgo
Từ cây cầu ngói này chạy đến nhà thờ đá không xa, có điều phải rẽ vào một cái ngõ. Khác với cái ngõ vào khá hẹp, khuôn viên nhà thờ chánh tòa Phát Diệm khá rộng lớn với các công trình kiến trúc bằng đá độc đáo được bố trí hợp lý, tạo cảnh quan trang nghiêm và đẹp mắt.
< Một góc nhà thờ chánh tòa Phát Diệm.
Ngoài việc bố trí công trình theo đúng quan niệm “minh đường tụ thủy, hậu đường tọa sơn” (phía trước có dòng nước, phía sau tựa vào núi) thì nhà thờ đá Phát Diệm còn hấp dẫn du khách nhờ sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà thờ Công giáo châu Âu với kiến trúc đình chùa châu Á.
Dulichgo
Sự sáng tạo của linh mục Phêrô Trần Lục cùng các giáo dân trong hơn 30 năm cuối của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 đã để lại nơi này một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam.
Vừa trò chuyện với mấy cô thợ ảnh không có khách trên bậc tam cấp, vừa nghĩ xem đích tới của hành trình sẽ đi đâu. Một cô gợi ý tôi nên ghé thăm nhà thờ Bùi Chu ở Xuân Trường, Nam Định rồi nhiệt tình chỉ đường cho tôi qua đò Mười.
< Nhà thờ đá Phát Diệm.
Rời nhà thờ đá Phát Diệm, xe chạy trên con đường đổ bêtông nhỏ bé xuyên qua những ngôi làng điển hình của miền quê Bắc bộ. Cuối con đường là bến đò Mười thuộc địa phận xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, Ninh Bình, con đò nối qua bờ kia sông tới xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.
2. Cũng dễ đến sáu, bảy năm tôi mới lại được đi đò qua sông. Không phải những con đò chèo tay nguy hiểm ở những khúc sông vắng vẻ, mà là một bến khách ngang sông văn hóa, an toàn. Chiếc đò khá lớn, có thể chở tới bốn ôtô nhỏ cùng một cơ số khách đi xe máy.
Chợt nhớ cũng trên chuyến đò Mười năm nào, chúng tôi đã từng có chút hoảng hốt khi qua sông cùng với mấy chiếc xe tải chở gạch nặng trịch khiến mép đò mấp mé trong dòng chảy đến đau tim.
< Nhà thờ giáo xứ Quần Phương.
Dulichgo
Sang tới đất Nam Định, tôi tiếp tục hỏi đường đi về giáo phận Bùi Chu. Con đường trải nhựa đẹp đẽ, ngang những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những lò gạch tỏa khói lên nền trời xám xịt, ầng ậc nước chỉ chực chờ mưa.
Do có nhiều đường nhánh lại không sử dụng bản đồ chỉ đường tích hợp trên điện thoại nên chúng tôi cứ vừa đi vừa hỏi đường. Thỉnh thoảng lại rẽ nhầm. Chạy một hồi thì tới cầu phao Ninh Cường bắc trên sông Ninh Cơ. Thật thú vị khi vừa lênh đênh qua sông Đáy ở đò Mười, giờ lại được lái xe bập bềnh trên cầu phao.
Tôi gọi Nam Định là xứ đạo, bởi con đường tôi đi hôm ấy chạy qua rất nhiều nhà thờ lớn nhỏ, cái cũ màu thời gian, cái sơn màu vôi mới. Tự nhiên tôi thấy thèm có một bản đồ hướng dẫn tham quan các nhà thờ đẹp của mảnh đất này.
< Nhà thờ đổ trên bờ biển Hải Lý.
Cứ đi qua một nhà thờ lại nghĩ có dừng lại hay không, trăn trở giữa phía trước là Bùi Chu và ở đây giờ này, là một cái tên có thể không nổi tiếng nhưng mới mẻ đang chờ mình khám phá.
Sau nhiều lần dùng dằng, thậm chí đã lái xe qua cả cây cầu nhỏ, tôi quyết định quay xe lại để ghé vào nhà thờ giáo xứ Quần Phương ở Yên Định (Hải Hậu, Nam Định). Nhà thờ mới được sơn màu vàng lộng lẫy và những tấm tranh kính trên khung cửa sổ tầng hai đã hút hồn tôi.
Khung cảnh vắng vẻ, lặng lẽ. Một giáo dân đã già đang cầu nguyện giữa hai hàng ghế trống. Tôi nhắc đám trẻ không gây ồn ào vì chúng đang rất tò mò và phấn khích khi lần đầu tiên được vào nơi cầu nguyện của tín đồ Công giáo.
Dulichgo
3. Cái tên Hải Hậu bất chợt nhắc tôi nhớ về “giấc mơ Hải Lý”, nơi có nhà thờ đổ nằm chơ vơ trên bờ biển. Bùi Chu vẫn còn xa tôi hàng chục cây số, nhưng ngay tại đây, lúc này, những ám ảnh xưa cũ sẽ được tận mắt nhìn thấy và chạm tay vào. Chẳng phải là cái “duyên” đó sao?
Rất gần, chỉ cần chạy theo con đường dẫn ra biển, một bên là làng xóm, một bên là cánh đồng muối, leo lên đê chắn sóng, sẽ thấy giấc mơ tôi đã bỏ lỡ bao năm qua.
Nhà thờ đổ Hải Lý một chiều mưa dông bão tố, gió từ biển thốc vào lạnh buốt. Những con thuyền đậu san sát trên bờ cát, cờ phướn sặc sỡ. Nước biển xâm thực mạnh dọc theo bờ biển xã Hải Lý khiến nhiều công trình ở ngoài đê bị hư hỏng.
Cơn bão số 7 năm 2005 đã phá vỡ nền móng của nhà thờ Trái tim - giáo xứ Xương Điền khiến linh mục và giáo dân phải bỏ nhà thờ cũ chuyển vào sâu bên trong, xây dựng một nhà thờ mới để sinh hoạt.
Dulichgo
Thời gian và biển cả đã đánh sập gần như toàn bộ nhà thờ, chỉ còn sót lại một bộ khung trơ trọi trên bãi biển, mà chắc không lâu trong tương lai, phần đổ nát còn lại ấy cũng sẽ bị nhấn chìm trong nước biển.
Thật kỳ lạ, khi chính vẻ hoang tàn đổ nát của nhà thờ đổ trên biển đã trở thành nét quyến rũ thu hút rất nhiều du khách và các nhiếp ảnh gia tới đây khám phá và sáng tác. Dường như những gì đã mất, sẽ mất sẽ trở nên lay động lòng người và có sức hấp dẫn đến khó tả và gần như không thể giải thích.
Giống như tôi, khi vừa nhìn thấy bức ảnh nhà thờ đổ trên bãi biển Hải Lý trên mạng Internet, tôi đã bị ám ảnh cho đến ngày “gặp duyên”, hôm nay...
Theo Băng Giang (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Nhà thờ đổ bên bờ biển Hải Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét